Tiện nên sử dụng
“Coi đủ muỗng, dĩa, tô, chén chưa. Mỗi thứ lấy luôn 50 đi, để thiếu làm biếng đi mua thêm lắm”. “Đủ hết, có ly luôn rồi. Xong phần ăn uống”. Sau khi chọn xong phần chén, dĩa, ly…, 2 bạn trẻ tiếp tục rảo qua khu vực thực phẩm, lựa đồ ăn để mang theo cho chuyến du lịch dài ngày sắp tới. “Mua mấy cái này mang theo cho tiện mà cũng nhẹ nữa, tô chén ở nhà thì có nhưng sao vác theo nổi. Còn ăn tiệm hoài thì tốn kém, mà nhiều khi cũng không hợp khẩu vị”, N.T.A (22 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) nói.
Không chỉ riêng 2 bạn trẻ trong câu chuyện trên, dường như chén, dĩa, ly nhựa dùng một lần đã trở thành bạn đồng hành trong những chuyến du lịch của nhiều người, bởi tiện, gọn, nhẹ dễ mang đi và ăn xong không cần phải rửa nên nhiều người rất chuộng trong những chuyến đi phượt, cắm trại.
Hưởng ứng trào lưu “Thách thức để thay đổi” trên toàn thế giới, chia sẻ hình ảnh trước và sau khi dọn rác lên mạng xã hội, anh thợ chụp hình trẻ Huỳnh Bá Lực (27 tuổi, ngụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chọn khu vực bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) để dọn dẹp. Anh kể: “Rác ở đây vứt khá lâu, vì nó vùi hết dưới cây và đất nên chúng tôi phải chịu khó bới lên. Đồ hộp, vỏ lon bia, tấm bạt, chén, dĩa nhựa và ống hút rất nhiều, có lẽ do các nhóm cắm trại bỏ lại”.
Không riêng gì với chén, dĩa, ly nhựa dùng một lần, hộp xốp dùng một lần cũng được nhiều người chuộng, từ các hàng quán thức ăn mang đi, đến đám tiệc như thôi nôi, đầy tháng…, người ta thường biếu chè, bánh cho khách cũng đựng trong các loại hộp xốp dùng một lần, mà tuyệt nhiên chẳng ai biết nguồn gốc của các loại chén dĩa “tiện lợi” này.
Chuẩn bị tiệc thôi nôi con trai đầu lòng, lựa hộp đựng chè để biếu khách, chị Minh Xuân (27 tuổi, ngụ quận 8) bày tỏ: “Dùng lá chuối gói xôi thì được, chứ chè phải có hộp đựng. Mà đồ tặng cho khách nên để cũng phải coi cho được chút, bỏ vô mấy hộp này vừa đẹp mắt vừa tiện, người ta xách về cũng nhẹ, mà ăn xong cũng đỡ phải rửa chén”. Hỏi chị có biết nguồn gốc của mấy cái hộp này từ đâu không, chị tỉnh rụi: “Biết đâu, ai cũng xài mà có thấy ai bị gì đâu…”.
Nan giải tìm sản phẩm thay thế
Tại một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), một khách nước ngoài đồng ý không nhận túi ni lông để đựng mỹ phẩm, mà cho thẳng những sản phẩm vừa mua vào túi xách cá nhân. Quầy tính tiền bên cạnh, một nhân viên vẫn đang thuyết phục một vị khách hàng cho mỹ phẩm vào túi xách thay vì đựng trong túi ni lông để bảo vệ môi trường.
Chị Ánh Tuyết, nhân viên cửa hàng, cho biết: “Khi tôi giải thích không nên dùng túi ni lông, khách mua 1-2 sản phẩm đã cho thẳng vào túi. Có khách vui vẻ đồng ý ngay, nhưng cũng có khách phản ứng”.
Tại TPHCM, những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần được nhiều công ty thay thế bằng những nguyên liệu hữu cơ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Tuy nhiên, giá thành của những sản phẩm này vẫn còn khá cao, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người từ chối dùng các sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường.
Tại một cửa hàng trên đường Phạm Hùng (quận 8), chuyên cung cấp hộp bã mía - loại hộp xốp làm từ bã mía, vỏ cây, phân hủy khi thải ra môi trường và không gây độc hại trong sử dụng, nhiều khách hàng vẫn không chọn sản phẩm “xanh” và thân thiện này.
“Ăn có một lần rồi cũng bỏ, mua chi cho mắc”, Tuấn Anh (20 tuổi, nhân viên một quán ăn ở quận 5) lạnh lùng trả lời, khi nhân viên có ý giới thiệu sản phẩm mới, thay cho hộp xốp nhựa dùng một lần.
Bên cạnh câu chuyện giá thành của những sản phẩm “xanh” và ý thức người tiêu dùng thì việc tìm ra những sản phẩm có thể thay thế cho đồ nhựa dùng một lần, vẫn còn là câu chuyện khá nan giải, khiến nhiều cơ sở kinh doanh trăn trở.
Tại tiệm trà nằm trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), mỗi ly trà mang đi đều dán dòng chữ: “Xin lỗi vì chúng tôi chưa tìm ra giải pháp thay thế nắp nhựa” trên nắp.
Đại diện tiệm trà, anh Kim Chung (22 tuổi) chia sẻ: “Hiện quán sử dụng ly giấy, ống hút giấy, ống hút tre và cỏ bàng, tuy nhiên quán vẫn phải sử dụng nắp nhựa để đậy những ly trà mang đi. Đây cũng là điểm hạn chế, nhưng thực sự chúng tôi vẫn chưa tìm ra sản phẩm thích hợp hơn để thay thế”.
Thông tin tại lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, do Bộ TN-MT phối hợp với UBND TP Hà Nội và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, cho biết lượng rác thải nhựa do con người thải ra hàng năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó, 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Việt Nam phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. |