Kỷ niệm 20 năm thành lập, sân khấu kịch IDECAF ra mắt vở nhạc kịch Tiên Nga của bộ ba tác giả NSND Năm Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc và Nguyễn Hồng Dung; biên kịch và đạo diễn NSƯT Thành Lộc; âm nhạc Đức Trí, với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, diễn viên Bạch Long, Ngân Khánh, Vân Trang, Lê Phương, Lương Thế Thành, Đình Toàn, Dương Cường, Hương Giang, Huỳnh Quý, Trường Thịnh... Vở nhạc kịch biểu diễn 25 suất, tại Nhà hát Bến Thành, bắt đầu từ ngày 14-12.
Một cảnh trong vở Tiên Nga
Hoành tráng, độc đáo
Vở nhạc kịch được NSƯT Thành Lộc tâm huyết đầu tư ý tưởng, dàn dựng, chăm chút nội dung tỉ mỉ, cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc chọn nghệ sĩ, diễn viên phù hợp với từng nhân vật, vai diễn. Ngoài ra, đạo diễn đã cố công xây dựng không gian sân khấu đậm chất Nam bộ, lời thoại chuẩn xác theo đúng văn phong thơ cụ đồ Chiểu và phong cách con người Nam bộ, phục trang áo dài xưa độc đáo…
Cách thức dàn dựng vở Tiên Nga của NSƯT Thành Lộc cũng mới lạ, đi ngược với những vở kịch đã dàn dựng trước đây trên sàn diễn IDECAF. Diễn viên phải học hát, thuộc bài trước rồi mới “vỡ” kịch. Đặc biệt, anh đặt hàng nhạc sĩ Đức Trí viết nhạc cho toàn bộ vở nhạc kịch. Nhận lời NSƯT Thành Lộc, nhạc sĩ Đức Trí có hơn một năm tư duy, suy nghĩ và trong vòng 6 tháng hoàn thành 26 bài hát và 15 đoạn nhạc cho Tiên Nga. Vở nhạc kịch được dàn dựng trên nguyên bản truyện thơ Lục Vân Tiên của tác giả Nguyễn Đình Chiểu, với 85% âm nhạc trong vở được sáng tác trên các làn điệu truyền thống là các điệu thức dân gian, hò, vè, cải lương, những bài lý, xen kẽ với lối nói thơ Vân Tiên. Trong từng suất diễn, dàn nhạc 14 người (ê kíp của nhạc sĩ Đức Trí) và dàn bè 6 người (Nhạc viện TPHCM) cùng song hành với hơn 40 nghệ sĩ, diễn viên, góp phần tạo nên không gian trình diễn nghệ thuật rất sống động, lôi cuốn.
Với kiến thức sâu rộng, tầm nhìn bao quát, tay nghề chuyên nghiệp và tấm lòng đau đáu muốn tôn vinh văn hóa Nam bộ, con người Nam bộ, tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, tính cách hào sảng, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam với đạo lý trung - hiếu - tiết - nghĩa… NSƯT Thành Lộc cùng ê kíp vở nhạc kịch đã tạo nên một dấu ấn rất riêng trong Tiên Nga.
Trong vở nhạc kịch, điểm nhấn là tình yêu son sắt của Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, nghĩa hiếu đạo của Lục Vân Tiên với mẹ, cách sống trọng nghĩa tình của Dương Tử Trực, tinh thần quật cường, tình yêu nước sâu nặng của các nhân vật. NSƯT Thành Lộc chia sẻ: Tất cả bắt nguồn từ những cảm xúc, cảm nhận khi xem vở Kiều Nguyệt Nga (tác giả kịch bản Ngọc Cung, cố đạo diễn Lưu Chi Lăng dàn dựng - PV) do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng cách đây đã lâu. Trong đó có chi tiết khiến tôi cứ trăn trở, băn khoăn mãi. Đó là cảnh nghệ sĩ Kim Ngọc trong vai Kim Liên đã nói một câu với Kiều Nguyệt Nga, ý rằng “Là phận nữ nhi, tuy cũng thèm muốn được hạnh phúc, khoác chiếc áo cô dâu, nhưng nếu làm phu nhân phường xâm lược thì em không thích…”.
Những câu thoại của nhân vật Kim Liên cứ ám ảnh tôi suốt... Người nghệ sĩ còn có trọng trách thể hiện quan điểm sống của mình trước thời cuộc và trách nhiệm công dân với xã hội, vậy là tôi thực hiện vở nhạc kịch Tiên Nga - một tác phẩm nhạc kịch thuần Việt. Thông qua câu chuyện tình yêu, tôi muốn đề cao tình yêu nước, tinh thần ái quốc của nhân dân. Đó cũng là cách phát huy tốt chức năng của nghệ thuật trong thời đại mới.
Dấu ấn 20 năm của Idecaf
Nặng lòng với văn hóa Nam bộ, yêu kính nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, yêu thích tác phẩm kinh điển của văn học miền Nam - Lục Vân Tiên, sau 4 năm ấp ủ, giữa năm 2017, NSƯT Thành Lộc thực hiện nhạc kịch Tiên Nga. Anh nhận được sự hỗ trợ hết mình của ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn, đơn vị hợp tác là Công ty du lịch Hải Âu, nhạc sĩ Đức Trí và ê kíp vở diễn.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Khi nghe Thành Lộc bày tỏ ý tưởng, mong muốn thực hiện vở nhạc kịch, tôi đồng ý ngay. Anh đã thể hiện thật đẹp, thật sâu sắc, lòng tự hào về văn hóa Nam bộ thông qua nhạc kịch Tiên Nga. Thực hiện tác phẩm sân khấu đậm chất nghệ thuật này, tôi cũng muốn khán giả nhìn sân khấu kịch với một góc nhìn khác, đó là tài năng của các nghệ sĩ. Trong suốt 3 tháng ròng rã, các nghệ sĩ, diễn viên trẻ đã rất nỗ lực rèn giọng, tập hát, luyện múa, học thuộc kịch bản… để hoàn thiện vở nhạc kịch. Tôi cũng hy vọng, trong thời gian tới, IDECAF sẽ thực hiện được nhiều tác phẩm như Tiên Nga, góp sức làm sống lại những áng văn thơ miền Nam, giúp khán giả có nhiều cơ hội để thưởng thức những tác phẩm văn học lịch sử đặc sắc”.
Ước tính sơ bộ, kinh phí đầu tư cho Tiên Nga đã vượt qua 1 tỷ đồng. Đây là tác phẩm sân khấu đặc biệt của sân khấu kịch Idecaf chào mừng quãng đường 20 năm hoạt động hiệu quả, đồng thời khẳng định thương hiệu một trong những sân khấu kịch xã hội hóa hoạt động sôi nổi, tất bật, liên tục ra mắt các vở mới, chất lượng và có nhiều vở diễn thường xuyên cháy vé. IDECAF cũng là sân khấu kịch duy nhất của thành phố còn hiện tượng phe vé chợ đen và với khán giả. Muốn xem những vở kịch hay phải xếp hàng mua vé.