Tiện, mà sao chưa dụng?

Đấu thầu qua mạng, một thành phần quan trọng của chính phủ điện tử, là nội dung vốn có trong Luật Đấu thầu năm 2013. Tuy nhiên, kết quả đấu thầu qua mạng vẫn rất thấp.

Chính vì thế mà báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày trước Quốc hội ngày 24-5 nêu rõ, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp nhà thầu chưa thực hiện đấu thầu qua mạng, vì vậy, dự thảo luật giữ quy định nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu “có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.

Vì sao đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu trên thế giới, đáp ứng được yêu cầu về tính công khai, minh bạch trong thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hay cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của các bên tham gia thầu lại không được các nhà thầu và chủ đầu tư mặn mà?

Tạm chưa đề cập đến lý do… không muốn minh bạch, cũng có một lý do khách quan là hạ tầng đấu thầu qua mạng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, việc thanh toán điện tử chưa được áp dụng, tài liệu điện tử và chữ ký số chưa được công nhận đầy đủ, chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp bên trúng thầu nhưng lại không ký hợp đồng sau trúng thầu. Khó khăn khi thực hiện đấu thầu qua mạng là chủ đầu tư không được giữ bản gốc hồ sơ của nhà thầu. Trong khi với hình thức đấu thầu trực tiếp, nếu nhà thầu “chạy làng”, chủ đầu tư có quyền yêu cầu ngân hàng chuyển tiền bảo lãnh về tài khoản của mình (chủ đầu tư giữ bản gốc cam kết bảo lãnh của ngân hàng).

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử, thông tin trên mạng... Tuy nhiên, vẫn cần quy định cụ thể quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu, quá trình xét thầu. Cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, quá trình kiểm soát chặt chẽ ứng dụng công nghệ cũng hết sức cần thiết, góp phần tạo điều kiện cần và đủ để đấu thầu qua mạng thực sự là phương thức tiến bộ được lựa chọn rộng rãi.

Tin cùng chuyên mục