Lợi ích tiềm năng
Ngày 24-5, hãng tin CNBC dẫn lời bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc FED, nêu bật một số lợi ích tiềm năng như chi phí giao dịch thấp hơn, phát triển tài chính toàn diện và giảm các vấn đề phát sinh trong qua trình giao dịch quốc tế… của các đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (Central Bank Digital Currency - CBDC).
Theo bà Brainard, các ngân hàng phải mất nhiều tuần để phân bổ các khoản tiền cứu trợ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, thông qua hình thức phổ biến là thẻ ghi nợ trả trước và séc cho các gia đình không có thông tin tài khoản ngân hàng cập nhật với Sở Thuế vụ liên bang. Với các phương tiện thanh toán số hóa, hoạt động phân bổ các khoản tiền cứu trợ trên sẽ được thực hiện nhanh hơn với chi phí rẻ hơn.
Bà Brainard cho rằng CBDC có thể là một phần trong giải pháp tổng thể về khả năng dễ dàng tiếp cận hệ thống ngân hàng ở mọi nơi, hứa hẹn tiềm năng giảm chi phí giao dịch và tăng khả năng thực hiện các thanh toán điện tử.
Ngoài ra, CBDC cũng có thể cải thiện tính hiệu quả, tăng tính cạnh tranh và đa dạng cũng như giảm thiểu các vấn đề phát sinh trong quá trình thưc hiện giao dịch quốc tế.
Mặc dù chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào, nhưng trước đó, ngày 20-5, Chủ tịch FED Jerome Powell đã nhắc đến sự tiến bộ của công nghệ thanh toán và cho biết FED đã cân nhắc cẩn thận và đang thích ứng với những đổi mới đó. Trong mùa hè này, FED sẽ công bố báo cáo về những rủi ro và lợi ích tiềm năng của việc phát hành CBDC trong nước. Dự kiến, FedNow Service - hệ thống thanh toán mới tương tự tiền USD điện tử, sẽ đi vào hoạt động trong 2 năm tới.
Theo giới phân tích, FED đang bước thêm một bước tiến mới trong việc phát triển đồng USD điện tử sau động thái của nhiều quốc gia, nổi bật nhất là sự tiến bộ của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia này có thể làm suy yếu vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Đẩy mạnh kế hoạch phát hành
Về cơ bản, FED đã nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số trong một thời gian, nhưng các ngân hàng trung ương khác đang tiến nhanh hơn, nhất là ngân hàng trung ương Trung Quốc và Thụy Điển. Hiện nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang đẩy mạnh nghiên cứu các loại tiền kỹ thuật số nhằm đảm bảo năng lực sẵn sàng thích ứng trong bối cảnh nhu cầu giao dịch bằng tiền mặt giảm và tiền kỹ thuật số ngày càng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tư nhân.
Ngày 24-5, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) thông báo kế hoạch triển khai thử nghiệm chức năng của CBDC, một phần trong kế hoạch nghiên cứu khả năng đưa loại tiền này vào lưu hành chính thức. BOK cho biết dự định tổ chức đấu thầu để chọn ra một đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện thử nghiệm kiểm tra các chức năng CBDC trong một không gian ảo. Kế hoạch được triển khai vào tháng 8 tới và kéo dài tới tháng 6-2022.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) đưa ra một thông tư về những quy chuẩn trong việc xây dựng đồng nội tệ real ở dạng kỹ thuật số, với trọng tâm là phát triển các mô hình sáng tạo dựa trên tiến bộ công nghệ.
BCB nhấn mạnh mục đích của việc ban hành các quy chuẩn về xây dựng đồng nội tệ real ở dạng kỹ thuật số, bao gồm thúc đẩy sự đổi mới trong phương thức thanh toán, trong bối cảnh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng trong nền kinh tế thế giới.
Dự kiến, giới chức ngân hàng nước này sẽ thảo luận với các đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống tiền tệ kỹ thuật số.