Công nghệ tăng tương tác
Theo dõi qua mạng xã hội triển lãm online Sắc màu bình yên do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức, Nguyễn Văn Thanh Hoàng (26 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) thích thú khi thấy tượng điêu khắc Hip hop never die (tác giả: nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến) tương tác với mình thông qua công nghệ AR (Augmented Reality - Thực tế tăng cường). Thanh Hoàng chia sẻ: “Tôi theo dõi khá nhiều triển lãm tranh, tượng, đồ gốm online rồi, nhưng lần đầu được trải nghiệm quét mã QR, thông qua camera điện thoại, tác phẩm điêu khắc xuất hiện ngay trên bàn làm việc của tôi, một trải nghiệm rất thú vị”.
Khán giả Lê Thùy Thu Vân (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng bày tỏ: “Tôi nghĩ, với triển lãm online, tượng điêu khắc chỉ chia sẻ qua hình ảnh thôi chứ không thể hơn. Nhưng có thêm phần hỗ trợ của AR, ngồi tại nhà vẫn xem được tác phẩm rất chi tiết, xoay ngang, xoay dọc và thu phóng lớn nhỏ tùy ý, một cách để thư giãn trong mùa dịch rất hay”.
Gần như là cái tên tiên phong trong ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào điêu khắc, nghệ sĩ điêu khắc Phạm Đình Tiến (giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM) chia sẻ: “Kỹ thuật bây giờ phát triển mạnh, nên công việc điêu khắc không quá mất sức và mất thời gian trong việc đục đẽo tạo hình. Áp lực bây giờ chính là sự sáng tạo, là ý tưởng để nghệ sĩ làm ra tác phẩm khác biệt và có sức hút”.
Để có thể bắt kịp mạch phát triển của công nghệ đưa vào tác phẩm điêu khắc, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự “nâng cấp” cho mình về cơ khí, lập trình, code, AR, VR (Virtual Reality - Thực tế ảo)… “Với điêu khắc, cơ hội việc làm cho nghệ sĩ không thiếu, nên câu chuyện sống được với nghề không phải là điều quá trăn trở. Những năm gần đây, bạn trẻ theo ngành điêu khắc bắt đầu sáng tạo và ứng dụng nhiều công nghệ vào tác phẩm điêu khắc, kết hợp trình diễn. Nhưng công nghệ cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ để tăng tính tương tác với người xem, như trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, công nghệ AR mang lại chút niềm vui để mọi người có thể thưởng thức tác phẩm điêu khắc dù ở bất cứ đâu. Cái chính vẫn là sự sáng tạo của mỗi người trong tác phẩm, làm sao để khác biệt”, nghệ sĩ Phạm Đình Tiến bày tỏ thêm.
Sáng tạo vẫn là cốt lõi
Trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, Digital Art (tạm dịch: nghệ thuật số/nghệ thuật kỹ thuật số) không phải quá mới mẻ. Nhưng vài năm trở lại đây, xu hướng này bắt đầu được nhiều nghệ sĩ trẻ theo đuổi vì cơ hội việc làm và các kênh kiếm tiền đa dạng trong thời buổi công nghệ 4.0.
Họa sĩ minh họa Phạm Rồng (tên thật Phạm Vương Quý Đôn) chia sẻ: “Hội họa truyền thống hay Digital Art cũng chỉ là phương tiện để truyền tải thông điệp của họa sĩ, mọi người đều phải vẽ thì mới có tác phẩm được. Digital Art có thể là rất tiện cho công việc, dù mình đang đi du lịch xa vẫn có thể mang theo laptop và bản vẽ, hoặc chỉ cần máy tính bảng cũng có thể vẽ tranh được. Vẽ xong có thể gửi và trao đổi qua lại với khách hàng luôn. Việc chỉnh sửa màu sắc hoặc cắt bố cục cũng đơn giản hơn, bảng màu RGB đa dạng hơn với vô số màu, có những họa sĩ tận dụng được lợi thế này và tạo ra những gam màu vô cùng sáng tạo”.
Digital Art là bộ môn được sinh ra để thích nghi với thời buổi công nghệ 4.0. Cùng sự hỗ trợ tối đa và phát triển không ngừng của công nghệ số, nhiều “tay ngang” vẫn có thể theo đuổi công việc Digital Art. Điều cốt lõi chính là sự sáng tạo để họa sĩ làm nên sự khác biệt cho chính mình, trong điều kiện mà bất kỳ ai cũng rất dễ dàng thao tác và tạo ra tác phẩm với sự hỗ trợ của phần mềm. “Dù vẽ trên máy hay trên giấy thì việc quá quen thuộc với một vùng sáng tạo nào đó dễ khiến mình rơi vào lối mòn trong sáng tác, đôi khi họa sĩ cần thử nghiệm nhiều loại chất liệu. Trong công việc, tôi thay đổi luân phiên giữa vẽ tay và vẽ máy để giúp mình không bị gò bó và không bị chán nản khi phải vẽ một kiểu nào nhiều”, họa sĩ Phạm Rồng chia sẻ thêm.
Họa sĩ minh họa Hoàng Văn Tài cùng chung nhìn nhận: “Sự tiện lợi của việc vẽ trên máy kể ra sẽ rất nhiều, chỉ cần một cú click chuột thì họa sĩ đã có thể lật tranh để thử độ phản chiếu, nhưng bất tiện cũng có vì quá trình sáng tạo tác phẩm phụ thuộc nhiều vào thiết bị máy tính, đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao. Ngoài kiến thức hội họa, họa sĩ phải cập nhật và sử dụng thành thạo các phầm mềm công nghệ. Có thể nói, càng ngày càng có nhiều công việc cho minh họa, phân khúc đa dạng. Kiếm tiền có dễ hay không thì lại phụ thuộc vào khả năng và trình độ của mình hơn. Điều quan trọng chính là sự sáng tạo của mỗi người để làm nên những tác phẩm khác biệt so với số đông trên thị trường”.
Nghệ thuật số, hay nói cách khác là đưa công nghệ, kỹ thuật vào quá trình sáng tạo, trình bày tác phẩm. Trong xu thế công nghệ 4.0, giới chuyên môn lẫn khán giả đều nhìn nhận sự song hành của nghệ thuật số và truyền thống, mỗi bên đều có một giá trị, chỗ đứng riêng.
Với sự thay đổi và phát triển không ngừng của công nghệ, Digital Art có nhiều cơ hội và hỗ trợ hơn từ công nghệ, nhưng cũng đặt ra thách thức cho người theo đuổi. Tranh digital không có tính độc bản. Nhiều người cho rằng, tranh đăng lên internet là tài sản của chung mà không cần công nhận họa sĩ, đôi khi còn dẫn đến việc sao chép, trace tranh (được hiểu là vẽ can theo tranh gốc, hoàn toàn không cần đến tư duy hay kỹ thuật, chỉ khác đi ở một số chi tiết nhỏ, điều này thường gặp trong giới vẽ minh họa - illustration). |