Tiền Giang: Quyết liệt xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép

Thời gian vừa qua, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Tiền (địa bàn tỉnh Tiền Giang) tiếp tục diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Một tàu gỗ khai thác cát trái phép trên sông Tiền bị bắt quả tang
Một tàu gỗ khai thác cát trái phép trên sông Tiền bị bắt quả tang

Theo đó, lực lượng chức năng đã mở nhiều đợt kiểm tra tập trung tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép.

Từ tháng 11-2023 đến tháng 8-2024, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 294 vụ vi phạm, tịch thu 16.800m3 cát với tổng số tiền xử phạt khoảng 10,5 tỷ đồng. Công an tỉnh Tiền Giang cũng đã khởi tố 4 vụ, với 4 bị can về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".

Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, nguyên nhân chính phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này là do lợi nhuận rất cao từ hoạt động khai thác cát trái phép, trong khi nguồn cung khan hiếm nhưng nhu cầu sử dụng cát rất lớn.

Cùng với đó, tuyến đường thủy có chiều dài gần 120km, địa bàn giáp ranh với các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp nhưng lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này còn mỏng; trong khi đó, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức năng, như: hoạt động tại khu vực địa bàn giáp ranh, thực hiện vào ban đêm; phương tiện gỗ trang bị máy hút cát có đấu nối trực tiếp qua các sà lan trọng tải lớn hoặc phương tiện gắn các thiết bị vừa chạy vừa hút cát.

Các chủ phương tiện thường thuê người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc thực hiện thủ đoạn cho thuê phương tiện để đối phó với quy định tịch thu phương tiện khi bị bắt giữ; sử dụng “thợ lặn” thăm dò cát trước khi khai thác, tổ chức lực lượng cảnh giới… Khi kiểm tra, các đối tượng vi phạm chống đối, bỏ chạy.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, một số quy định của pháp luật điều chỉnh, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập so với thực tiễn hoặc chưa đủ sức răn đe. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật (khoáng sản, xây dựng, đầu tư, thuế....) nhưng công tác phối hợp, quản lý, phòng ngừa, đấu tranh giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

cat tac.jpeg
Các chủ phương tiện thường thuê người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc thực hiện thủ đoạn cho thuê phương tiện, để đối phó với quy định tịch thu phương tiện khi bị bắt giữ

Thời gian tới, Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phối hợp, đấu tranh tại địa bàn giáp ranh. Đồng thời, kiến nghị các sở, ngành vào cuộc tăng cường phối hợp cùng lực lượng công an thực hiện các nhiệm vụ.

Lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang xác định 4 địa bàn trọng điểm gồm các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phú Đông và TP Mỹ Tho; 40 chủ sở hữu với 147 phương tiện (85 phương tiện có đăng ký, đăng kiểm; 62 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm). Ngoài ra, Công an tỉnh đã lên danh sách 75 bến bãi tập kết, kinh doanh khoáng sản nhằm tập trung nắm tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định.

Tin cùng chuyên mục