Đến dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp, cùng lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL… Đây được xem là sự kiện quan trọng nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Tiền Giang.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức, Tiền Giang đã lựa chọn và đưa vào danh mục các dự án đầu tư có tính khả thi cao. Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh đưa vào danh mục đầu tư chỉ có 31 dự án, trong đó có 22 dự án đã trao quyết định đầu tư, 9 dự án trao chủ trương nghiên cứu. Riêng chỉ có 19 dự án mời gọi đầu tư. Với chủ trương và cách làm như thế, tỉnh kỳ vọng và tin tưởng về tính hiệu quả trong thu hút đầu tư.
Cũng theo ông Đức, thời gian qua, môi trường đầu tư của Tiền Giang được cải thiện đáng kể. Như năm 1995, Tiền Giang chỉ có khoảng 165 doanh nghiệp, nhưng đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 4.456 doanh nghiệp đang hoạt động và 58.400 hộ kinh doanh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới tăng theo từng năm. Năm 2015 có 494 doanh nghiệp, năm 2016 là 560 doanh nghiệp, năm 2017 có đến 640 doanh nghiệp. Những con số trên đã minh chứng cho sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Tiền Giang. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính ở Tiền Giang thời gian gần đây cũng góp phần cho môi trường đầu tư được tốt hơn…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tiền Giang trong việc tổ chức tốt Hội nghị, gọn nhẹ nhưng bài bản, hiệu quả cùng những nỗ lực của Tiền Giang để thay đổi hình ảnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều dự án, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua.
Đánh giá cao tiềm năng của Tiền Giang, Thủ tướng đề nghị địa phương phát huy lợi thế “mặt tiền” ĐBSCL, lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Tiền Giang có sự kết nối thuận lợi với TPHCM, là tỉnh trải dọc bờ Bắc sông Tiền với chiều dài 120 km, có trục cao tốc Trung Lương với nhiều quốc lộ khác đi qua, là hành lang kinh tế, điểm giao hòa giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ. Vì vậy, bài toán đặt ra là Tiền Giang phải đi đầu trong đổi mới thì ĐBSCL mới có thêm những động năng cho sự phát triển, vượt trên những thách thức của biến đổi khí hậu.
Ngoài lợi thế nói trên, Tiền Giang còn là “vương quốc” của các loại trái cây, liệu Tiền Giang có trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hay không? Thủ tướng đặt câu hỏi và mong muốn chính quyền, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Tiền Giang trả lời trong tương lai gần. Ngoài ra, Tiền Giang còn nhiều lợi thế khác như du lịch miệt vườn sông nước. Làm thế nào để khai phá hết tiềm năng và phát huy thế mạnh đặc thù này, cũng là câu hỏi Thủ tướng đặt ra với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng nhấn mạnh: Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một siêu vệ tinh của TPHCM nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một cách hiệu quả, đầy quyết tâm. “Chính phủ thấu hiểu điều này và dành nhiều ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng của Tiền Giang trước đây, bây giờ cũng như trong tương lai”, Thủ tướng nói và đề nghị Tiền Giang cần tích cực giải quyết các nút thắt và điểm nghẽn phát triển. Đó là tăng cường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sẵn có cho nhà đầu tư, giải quyết tốt công tác quy hoạch, bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển. Cần tiếp tục đối thoại với người dân nhiều hơn để giải quyết vướng mắc tồn tại.
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương nghiên cứu cho 30 dự án với tổng số vốn 16.178 tỷ đồng. Tỉnh Tiền Giang cũng công bố danh mục 19 dự án tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư 16.360 tỷ đồng. |