Tiền Giang kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

Ngày 20-8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864 - 20-8-2024) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định.

vinh.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đọc diễn văn ôn lại truyền thống 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đọc diễn văn ôn lại truyền thống 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết.

Anh hùng dân tộc Trương Định - người con ưu tú của dân tộc ta, đã nằm lại trên mảnh đất Gò Công, để lại trong lòng nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân 2 tỉnh Tiền Giang, Quảng Ngãi nói riêng niềm tiếc thương và sự kính trọng vô hạn.

Anh hùng dân tộc Trương Định là tấm gương kiên trung, bất khuất, một đời chiến đấu vì nước, vì dân, sống oanh liệt, chết vẻ vang. Bằng sự chỉ huy tài tình, với lý tưởng cao đẹp, những đức tính quý báu và hành động quả cảm của ông đã làm rạng danh vùng đất Tiền Giang.

1.jpg
Bộ VH-TT-DL trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định cho UBND tỉnh Tiền Giang

Dịp này, Bộ VH-TT-DL đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định cho UBND tỉnh Tiền Giang.

DEN THO TRUONG DINH.png
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại huyện Gò Công Đông, Tiền Giang

Bình Tây Đại nguyên soái - Trương Định sinh năm 1820 tại xã Tư Cung, Phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

Năm 24 tuổi (năm 1844), ông theo cha vào Nam, lấy vợ và lập nghiệp ở Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang). Năm 1854, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ và tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.

Đến năm 1862, nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang.

Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Ngày 20-8-1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.

Tin cùng chuyên mục