Trước đó, ngành y tế địa phương phát hiện có công nhân mắc Covid-19, nên tiến hành điều tra dịch tễ tại nơi ở và làm việc của công nhân này.
Qua xét nghiệm và điều tra ban đầu, ổ dịch này đã có 85 ca mắc Covid-19 bao gồm cả người nhà của công nhân và nhiều trường hợp F1.
Điều đáng nói, trước đó doanh nghiệp này đang bị đình chỉ hoạt động vì vi phạm về đất đai và môi trường… Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lén lút hoạt động làm phát sinh ổ dịch nói trên.
Cùng ngày, Công an huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cũng vừa khám xét khẩn cấp Công ty TNHH Tuyết Hương (ấp Tân Thuận A, xã Bình Đức) do vi phạm hoạt động sản xuất kinh doanh làm phát sinh ổ dịch với 41 ca mắc Covid-19.
Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang tiếp tục truy vết nhanh đối với các ca mắc để xác định trường hợp tiếp xúc gần (F1), thông báo địa phương khoanh vùng, xét nghiệm tầm soát theo quy định. Đồng thời, xác minh làm rõ, thu thập tài liệu chứng cứ, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
* Cũng trong ngày 26-10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn từng “cầu cứu” Chính phủ, liên quan đến các nội dung như: cho lao động trở lại bình thường, công nhân tự túc di chuyển đến nơi làm việc, di chuyển của lao động ngoài tỉnh, giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài...
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang không chỉ thực hiện sản xuất phương án “3 tại chỗ” mà còn nhiều mô hình khác.
Ông Vĩnh yêu cầu các doanh nghiệp đang thực hiện các mô hình sản xuất tiếp tục đảm bảo an toàn phòng chống dịch với mô hình “3 tại chỗ”. Nếu doanh nghiệp nào thấy đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ” có hiệu quả, an toàn thì hoạt động theo phương án này.