Phiên tòa xét xử lưu động tại Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Tiền Giang, với số lượng bị cáo đông nhất kể từ trước đến nay được đưa ra xét xử tại tỉnh Tiền Giang.
HĐXX đã triệu tập 115 bị hại và 91 tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Đây được xem là vụ án hình sự được dư luận quan tâm bởi tính chất phức tạp của vụ án. Các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của 172.629 người vay, cưỡng đoạt số tiền 456 tỉ đồng. Số tiền này, các bị cáo sử dụng vào hoạt động công ty và chia nhau tiêu xài.
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Châu (sinh năm 1980) 19 năm tù, Hồ Quốc Hùng (sinh năm 1987, cùng ngụ TPHCM) 18 năm tù và 109 bị cáo còn lại từ 1 đến 13 năm tù giam.
Theo cáo trạng, Hùng và Châu cùng là Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Việt có trụ sở tại TPHCM. Cả 2 biết rõ kể từ ngày 1-1-2021, loại hình dịch vụ đòi nợ đã bị Luật đầu tư năm 2020 đưa vào diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2021 đến ngày 14-2-2023, Châu và Hùng lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt để ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ tiền tố tụng và tham gia khởi kiện tại tòa với 7 tổ chức ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Châu và Hùng bị cáo buộc đã lợi dụng danh nghĩa hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép “tham gia tố tụng theo quy định pháp luật, tư vấn pháp luật, thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý khác theo quy định pháp luật và đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật” để tổ chức hoạt động thu hồi nợ.
Các đối tượng tổ chức bộ máy hoạt động công ty, đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo 20 trưởng nhóm và 579 nhân viên thuộc 20 nhóm dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của 172.629 người vay, cưỡng đoạt số tiền 456 tỷ đồng và đã được các đơn vị ký kết hợp đồng dịch vụ trả phí hơn 168 tỷ đồng.
Theo Viện KSND tỉnh Tiền Giang, đây là nhóm tội phạm có tổ chức. Châu và Hùng giữ vai trò chủ mưu, trực tiếp tổ chức việc thực hiện tội phạm. Các đối tượng còn lại là những người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Trong vụ án này, Châu hưởng lợi 15 tỷ đồng, Hùng hưởng lợi 12 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 10-2022, nhiều giáo viên và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại và tin nhắn có liên quan đến khoản nợ của gia đình học sinh tại trường. Các đối tượng có lời lẽ đe dọa yêu cầu nhà trường cho cháu bé nghỉ học, để gây áp lực tác động gia đình trả nợ. Các đối tượng còn dọa người thân của giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nếu không thực hiện theo yêu cầu nói trên.
Ngày 27-10-2022, chủ đại lý gas ở phường 4 nhận được điện thoại yêu cầu chở tới Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu bình gas loại 12kg. Nhân viên cửa hàng chở bình gas đến trường thì hiệu trưởng nhận được cuộc gọi yêu cầu cho người ra nhận. Chúng dọa sẽ cho nổ trường khiến các giáo viên lo lắng.
Công an thị xã Cai Lậy đã vào cuộc xác minh, xác định anh T.V.B. (sinh năm 1986) là người thân của học sinh tại trường đã vay tín chấp của ngân hàng với số tiền 50 triệu đồng. Do mất khả năng thanh toán, anh B. đã đi Bình Dương làm công nhân. Sau đó, anh B. và nhiều người thân trong gia đình nhận được nhiều cuộc gọi đe dọa.
Từ kết quả điều tra, xác định các số điện thoại nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa buộc trả nợ có liên quan đến Hà Thị Hiệp - nhân viên do Nguyễn Thanh Hải làm nhóm trưởng thuộc Công ty Luật TNHH Pháp Việt.
Ngày 14 và 15-2-2023, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Cai Lậy phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tiền Giang, Công an TPHCM và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đồng loạt thi hành lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở chính và 2 chi nhánh của công ty nói trên tại TPHCM.
Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi đe dọa người vay tín chấp, trong đó có người thân của học sinh đang học trường tiểu học nói trên.