Tiền điện tăng do nhu cầu sử dụng tăng

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có cuộc kiểm tra ngẫu nhiên các hộ gia đình sử dụng điện có khiếu nại tiền điện tăng cao và kiểm tra, làm việc với Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) về công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trao đổi thông tin sử dụng điện với anh Khoa (đường DC7 phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trao đổi thông tin sử dụng điện với anh Khoa (đường DC7 phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM)

Công khai, minh bạch mọi thông tin

Khá bất ngờ khi được đoàn kiểm tra tìm đến và hỏi thăm những thắc mắc về tiền điện trong tháng vừa qua, anh Hồng (đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, tiền điện tháng 5 mà gia đình anh phải trả khoảng 3 triệu đồng, nhưng tiền điện tháng 6 tăng lên hơn 4 triệu đồng. Thấy bất thường nên anh Hồng đã gọi điện phản ánh lên tổng đài của điện lực, yêu cầu kiểm tra. Sau khi nhân viên Công ty Điện lực Tân Phú (thuộc EVNHCMC) xuống kiểm tra, kiểm chứng lại đồng hồ điện thì xác định không có sai sót trong đo đếm, mà do nhà anh Hồng vừa lắp đặt thêm một máy lạnh nên tiền điện đã tăng lên. “Sau khi nghe nhân viên điện lực giải thích, tôi thấy hợp lý và hài lòng với giải thích của ngành điện”, anh Hồng chia sẻ.

Tương tự, anh Khoa (đường DC7, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM) cũng thấy số tiền điện tăng đột biến từ 800.000-900.000 đồng/tháng lên khoảng 2 triệu đồng. Anh Khoa nghi ngờ đồng hồ điện của gia đình chạy nhanh nên đã phản ánh, đề nghị ngành điện xuống kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, đồng hồ điện chạy bình thường. “Trước đây, do tôi ở một mình nên tiền điện ít, tháng rồi có thêm mấy người cháu về ở chung nên tiền điện tăng lên là hợp lý. Số lượng người sử dụng tăng cũng tỷ lệ với số người ở. Tôi đã hài lòng với việc kiểm tra và giải thích của ngành điện”, anh Khoa nhìn nhận.

Ông Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Công ty Điện lực Tân Phú, cho biết, công ty tiến hành ghi chỉ số điện với 2 hình thức, ghi trực tiếp tại nhà khách hàng và ghi từ xa. Tất cả trường hợp có điện năng tăng, giảm 30% so với tháng trước đều được phúc tra qua 3 lần: lần 1 vào ngày ghi điện, lần 2 ngay sau khi nhận dữ liệu ghi điện từ máy tính bảng (vào chiều ngày ghi điện) và lần 3 vào ngày sau đó, nhân viên sẽ tiếp tục phúc tra các trường hợp có tỷ lệ tăng giảm bất thường, độc lập với bộ phận ghi điện.

Giải thích về các trường hợp phải điều chỉnh hóa đơn do đơn vị quản lý, ông Bắc cho biết, đây là những trường hợp bất khả kháng, rơi vào các khách hàng còn phải ghi chỉ số tại nhà. Khi khách hàng không có nhà nên phải tạm tính bằng tháng trước và sau khi khách hàng có thắc mắc thì phải phúc tra lại để điều chỉnh hóa đơn. “Những trường hợp như vậy đều do nguyên nhân khách quan. Khách hàng không ở nhà sẽ ghi tạm tính để đảm bảo quy trình, quy định. Tuy nhiên, một số khách hàng không để ý, không thông báo lại chỉ số tiêu thụ cho ngành điện nên ngành điện không biết để điều chỉnh số tiền. Tới khi khách hàng nhận thông báo tiền điện mới thắc mắc và ngành điện đã điều chỉnh số tiền cho các trường hợp này”, ông Bắc cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thành viên đoàn kiểm tra, đánh giá, qua công tác kiểm tra thực tế cho thấy ngành điện rất cầu thị, các thông tin đều công khai, minh bạch. “Việc kiểm tra thực tế là chọn ngẫu nhiên, không phải do ngành điện chỉ định nên rất khách quan, tính thuyết phục cao. Đối với các trường hợp khiếu nại tiền điện tăng thì thực tế người dân đều hiểu được là do nhu cầu sử dụng điện tăng. Việc giải quyết khiếu nại của điện lực rất nhanh chóng, kịp thời, hợp lý làm khách hàng hài lòng, đồng ý”, ông Hùng cho biết.   

100% công tơ được kiểm định trước khi sử dụng

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết, trong tháng 6, EVNHCMC đã thực hiện phúc tra cho trên 374.000 khách hàng, trong đó có hơn 250.000 khách hàng có điện năng tiêu thụ tăng 1,3 lần trở lên và đã thực hiện kiểm tra, phúc tra 100%. Qua phúc tra đã phát hiện 13 trường hợp nhân viên ghi điện ghi sai chỉ số do chủ quan, chiếm 0,17%. Các trường hợp sau khi phúc tra có phát hiện sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ đều được các đơn vị hiệu chỉnh, trước khi phát hành hóa đơn đến khách hàng. Ngoài ra, EVNHCMC cũng đã thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý 100% kiến nghị của khách hàng liên quan hóa đơn tiền điện; yêu cầu kiểm tra, kiểm định công tơ, tiền điện tăng cao trong vòng 24 giờ.

Tiền điện tăng do nhu cầu sử dụng tăng ảnh 1 Nhân viên điện lực TPHCM kiểm tra chỉ số công tơ  của khách hàng sau khi nhận dữ liệu ghi điện từ máy tính bảng

Đối với các công tơ đo đếm dùng để bán điện cho khách hàng, được quản lý đảm bảo tuân thủ các quy định sau: Khoản 10 và 11 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Điều 19 Luật Đo lường; Thông tư 23/2013/TT-BKHCN và 24/2013/TT-BKHCN của Bộ KH-CN. Tất cả các chủng loại công tơ sử dụng trên lưới đều được phê duyệt mẫu bởi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và thực hiện các biện pháp kiểm soát đo lường, gồm kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ và kiểm định sau sửa chữa trong quá trình sử dụng.

Việc kiểm định định kỳ công tơ được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 23. Tất cả công ty thí nghiệm điện của các tổng công ty điện lực (đơn vị thực hiện kiểm định) đều được công nhận khả năng kiểm định và được chỉ định kiểm định bởi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo đúng quy định tại Thông tư 24. Hàng năm, các công ty điện lực đều được Thanh tra Đo lường Nhà nước thực hiện kiểm tra luân phiên về việc tuân thủ thực hiện các biện pháp kiểm soát đo lường và khả năng kiểm định theo quy định của Luật Đo lường cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục