Yến sào là sản phẩm có giá trị thương mại lớn, tạo ra các sản phẩm giá trị cao về dinh dưỡng, góp phần tăng cường sức đề kháng, sức khỏe cho con người, được xã hội trân trọng.
Tính đến tháng 3-2017, số lượng nhà yến trên 36 tỉnh, thành có 5.069 nhà yến, tăng 2.455 nhà yến so với năm 2014. Trong đó, số lượng nhà yến tại Tiền Giang cao nhất với 697 nhà yến, TPHCM có 612 nhà yến và Kiên Giang 548 nhà yến. Đặc biệt, có thêm 3 tỉnh miền Bắc phát triển nghề nuôi chim yến so với năm 2014: Hải Phòng 27 nhà yến, Quảng Ninh 2 nhà yến, Ninh Bình 1 nhà yến và 2 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai 22 nhà yến, Kon Tum 12 nhà yến.
Các tỉnh Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận đều phát triển trên 200 nhà yến. Sản lượng thu hoạch nhà yến tại Việt Nam cũng tăng nhanh qua các năm. Năm 2016, một số nhà yến có sản lượng khá như: nhà yến tại Trảng Bom - Đồng Nai thu hoạch trên 19.323 tổ/năm, Rạch Giá - Kiên Giang 9.365 tổ/năm, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 16.117 tổ/năm, Phú Riềng - Bình Phước: 15.759 tổ/năm, Khánh Hòa 17.947 tổ/năm...
Cần có một tổ chức uy tín mang tầm quốc gia
Chính vì vậy, thông tin việc thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam là hết sức cần thiết. Với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực quản lý, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên yến sào gồm cả yến đảo thiên nhiên và chim yến nuôi trong nhà, hiệp hội phải là nơi tập hợp, liên kết trí tuệ, nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và hợp tác quốc tế trong phát triển ngành nghề yến sào Việt Nam.
Ngoài ra, để phát triển bền vững ngành nghề yến sào, Hiệp hội Yến sào Việt Nam sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề như: Xây dựng chính sách đồng bộ cho khai thác; chăn nuôi; chế biến; xuất khẩu; nghiên cứu khoa học và áp dụng thành tựu công nghệ; liên kết phát triển giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học; xây dựng hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành nghề yến sào từ trung ương đến địa phương; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng yến sào; quản lý nghề nuôi chim yến; định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành nghề yến sào theo hướng bền vững...
Dự kiến ngày 9-7 tới đây tại TPHCM sẽ đại hội thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam, với trách nhiệm cao cả và nặng nề đó, việc thành lập, xây dựng điều lệ hiệp hội, sắp xếp nhân lực... cần phải có thời gian, cẩn trọng. Phải lấy ý kiến các địa phương có ngành nghề yến sào, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có uy tín, chuyên môn trong lĩnh vực yến sào và Hiệp hội Yến sào Việt Nam là tổ chức thống nhất sự liên kết các thành viên vì lợi ích chung của quốc gia, của ngành nghề, của mỗi thành viên; phải được xây dựng chặt chẽ từ cơ sở địa phương. Người đứng đầu hiệp hội phải có thâm niên, uy tín, am hiểu về lĩnh vực yến đảo, yến nhà và thủy tổ ngành nghề yến sào, có các công trình nghiên cứu khoa học, tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín ngành nghề yến sào... Có như vậy Hiệp hội Yến sào Việt Nam mới đủ mạnh, đủ uy tín để có tiếng nói chung, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng và người dân, góp phần phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam.