Thanh khoản vượt 1 tỷ USD
Chốt phiên giao dịch ngày 7-8, VN-Index đã lập đỉnh cao nhất từ đầu năm đến nay với 1.241,42 điểm. Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, động lực giúp thị trường tăng điểm là do nhà đầu tư kỳ vọng về các chính sách tài khóa, tài chính tiền tệ được triển khai mạnh mẽ, giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trở lại trong những quý tới.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi hạ nhiệt khiến chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn vì nhà đầu tư cá nhân đổ tiền sang TTCK, tìm cơ hội sinh lời cao hơn. Chính vì thế, thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể.
Thống kê từ Công ty Chứng khoán VNDirect, giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường trong tháng 7-2023 tăng khoảng 7% so với tháng trước và tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm trước, lên 21.216 tỷ đồng/phiên giao dịch. Hiện dòng tiền vẫn tiếp tục đổ mạnh vào thị trường. Các phiên giao dịch đầu tháng 8-2023 đã ghi nhận nhiều phiên vượt 1 tỷ USD, trong đó có 4 phiên giao dịch với thanh khoản toàn thị trường vượt 30.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,3 tỷ USD).
Theo các chuyên gia, thanh khoản của TTCK bùng nổ thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của dòng tiền cho vay của các công ty chứng khoán. Thống kê cho thấy, tính đến cuối quý 2-2023, tổng nợ vay của 30 công ty chứng khoán có dư nợ cao nhất thị trường đạt 142.364 tỷ đồng, tăng gần 20% so với quý trước. Trong thời gian tới, với triển vọng thị trường đã được cải thiện và các công ty chứng khoán đang triển khai các chương trình giảm lãi vay và phí giao dịch, thị trường kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đổ về.
Trong tháng 7-2023, VN-Index đạt 1.222,9 điểm, tăng khoảng 9,2% so với tháng trước. Nhịp tăng điểm vượt trội này đã góp phần giúp hiệu suất TTCK Việt Nam trong 7 tháng đầu năm tăng 21,4%, vượt qua nhiều TTCK lớn khác như Mỹ (tăng 19,3%), Hàn Quốc (tăng 17,7%), Ấn Độ (9,1%), Trung Quốc (6,5%)… và chỉ xếp sau Nhật Bản (tăng 27,1%).
Triển vọng tích cực
Việc TTCK Việt Nam phục hồi tốt được các chuyên gia đánh giá là do giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đã dần đi qua. VN-Index được kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với hàng loạt thông tin về vĩ mô tích cực như: xuất khẩu đang dần có tín hiệu khởi sắc; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ổn định; lạm phát được kiểm soát…
Thêm vào đó, dòng tiền cá nhân cũng đang sẵn sàng quay lại TTCK. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong tháng 7-2023, thị trường đón thêm 150.619 tài khoản mở mới, mức cao nhất trong 11 tháng trước đó, trong đó, cá nhân trong nước mở mới 150.351 tài khoản.
TTCK Việt Nam được đánh giá có triển vọng tích cực với mức hồi phục đáng kể nên định giá thị trường của cổ phiếu hiện không còn rẻ và tiềm ẩn rủi ro. Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán BVSC, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của nhóm ngành phi tài chính (trừ bất động sản) cũng đã tăng lên mức đỉnh nhiều năm.
“Trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ trong tháng 8, các cổ phiếu vốn hóa lớn, định giá rẻ có thể được quan tâm hơn”, đại diện Công ty chứng khoán BVSC nhận định. Chuyên gia của Công ty Chứng khoán TPS cũng đánh giá, sau đợt tăng kéo dài của VN-Index thời gian qua, thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện những phiên “rung lắc” để kiểm định lại lực cầu quanh mốc 1.200 điểm.
Công ty Chứng khoán TPS đưa ra 3 kịch bản, trong đó kịch bản tích cực là với việc tăng trưởng tín dụng và GDP 6 tháng đầu năm đang ở mức thấp, không thể loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ 5, qua đó giúp gia tăng sự hưng phấn cho nhà đầu tư cũng như thu hút dòng tiền mua mới trở lại, nối dài đà tăng và VN-Index sẽ lên quanh mốc 1.300 điểm.
Còn kịch bản tiêu cực là rủi ro sẽ đến từ sự mất giá của VND trong bối cảnh giá USD đang tăng (thể hiện qua chỉ số DXY) cùng việc lãi suất qua đêm USD tại Việt Nam đã vượt VND. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán TPS, mặc dù có cao so với đầu năm nhưng mặt bằng định giá của thị trường hiện vẫn chưa ở mức cao như giai đoạn tăng nóng 2017-2018 hay năm 2021 nên VN-Index sẽ có khả năng điều chỉnh về quanh mức hỗ trợ 1.150 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng, động lực chính thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nói chung và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK nói riêng trong nửa cuối năm 2023 đến từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ lãi suất ngân hàng, chứng khoán...
Ông Lê Minh Nguyên, Giám đốc khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cũng cho rằng, lãi suất hạ và những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách tài khóa tiền tệ sẽ giúp thị trường bất động sản “ấm” dần. Đồng thời, những khoản nợ trái phiếu đến thời điểm đáo hạn đang được đàm phán, giải quyết khá nhiều. Đặc biệt là cuối năm nay, các vấn đề về pháp lý, luật pháp liên quan đến bất động sản dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét nên cổ phiếu bất động sản cũng sẽ thu hút dòng tiền.