Tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Kinh tế ngày 26-9, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cơ bản giữ nguyên các quy định của luật hiện hành còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch hơn, hạn chế các tiêu cực phát sinh, khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là với một số tài sản đặc thù.
Bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá viên
Đơn cử, về thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất; việc người có tài sản đấu giá xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá của người đấu giá…
Riêng đấu giá quyền sử dụng đất trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, dự thảo luật quy định rõ, tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc.
Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Liên quan đến đấu giá viên, dự thảo luật bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề. Theo đó, tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định miễn đào tạo nghề với luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên cũng được miễn đào tạo nghề đấu giá viên.
Tiền đặt cọc mức nào phù hợp?
Góp ý kiến sau đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam đề nghị, những tài sản có ảnh hưởng lớn như quyền sử dụng đất thì mức cọc phải từ 20 - 30% để tránh việc bỏ cọc, sau khi đã đẩy giá lên, tạo tín hiệu sai lệch cho thị trường. “Tiền đặt cọc phải tương xứng”, ông Nam nói và dẫn chứng có trường hợp đấu giá đất lên đến 1 tỷ đồng/m2, nhưng bỏ cọc, làm ảnh hưởng đến thị trường rất đáng kể.
Thậm chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng, nếu quy định “tối đa là 20% giá khởi điểm” có thể 1 nhóm người vẫn phối hợp thao túng, sẵn sàng “thổi giá” trong đấu giá quyền sử dụng đất để dẫn dắt thị trường nhằm bán các khu đất khác.
“Có trường hợp tiêu cực khác trong đấu giá là một số phần tử bất hảo khống chế, kìm giá để chỉ có chính họ mua được tài sản đó với sát giá sàn, thậm chí còn dìm xuống dưới giá trị của tài sản”, ông Lâm dẫn chứng và cho rằng rất khó giải quyết bằng biện pháp hành chính được. Để ngăn chặn bằng biện pháp kinh tế thì phải quy định đặt cọc ở mức có những người không thể trả giá cao hoặc thấp bất thường.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết, hiện tại ở Bắc Giang tuần nào cũng có 5-6 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất (một năm khoảng 8.000 lô đất được đấu giá) theo hình thức bỏ phiếu kín một vòng. Có lô đất nào đó chỉ có một người trả giá thì lại phải đấu giá lại. ĐB đề nghị chỉ có một người trả giá cũng phải công nhận kết quả trúng đấu giá.
Phản hồi đại biểu về mức tiền cọc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc rất kỹ nhưng cũng không thể nâng lên quá cao. Nếu nâng lên trên 20% thì sẽ trở thành hàng rào kỹ thuật loại bỏ người muốn tham gia đấu giá.