Sáng nay đọc Báo SGGP biết tin mẹ Trần Quang Mẫn mất. Sự ra đi của mẹ - một phụ nữ mà cuộc đời, sự nghiệp với những cống hiến, hy sinh thật đáng khâm phục. Mẹ quá nổi tiếng với biệt danh “Nữ chúa miền Tây”, với nhiều câu chuyện ly kỳ như giả trai đi bộ đội Vệ quốc đoàn mà không bị phát hiện suốt 5 năm liền; rồi chuyện chém trọng thương tên tỉnh trưởng ác ôn khét tiếng Lâm Quang Phòng bằng dao...
Quê của mẹ ở Vĩnh Thạnh, Giồng Riềng, Kiên Giang. Mẹ sinh năm 1926 trong một gia đình khá giả, được cho lên tỉnh học trường tư thục đến hết lớp nhất. Sau đó, mẹ về quê tiếp tục học võ. Năm 13 tuổi, mẹ từng dẫn đầu đoàn đua trâu, tập đánh trận giả, từng lén gia đình tập múa quyền, múa gậy... Năm 17 tuổi, mẹ rủ em gái trốn đi bộ đội, người cha bắt lại, dùng dao cắt mái tóc dài, nhốt vào kho chứa lúa. Rồi mẹ cắt luôn tóc ngắn cho giống con trai. Đầu năm 1946, nhờ mẹ ruột (bà Hai Phước) thương con mở cửa sau, đưa bọc quần áo cho hai chị em Mẫn, Trâm trốn đi bộ đội lần 2 với lời căn dặn: “Làm sao cho xứng thì làm”. Hai chị em mẹ trở thành tân binh của Bộ đội Huỳnh Thủ hoạt động ở vùng Vĩnh Thuận (U Minh Thượng, Kiên Giang).
Để giả trai, mẹ phơi nắng, trốn vào rừng hét cho vỡ tiếng, tập ăn nói bỗ bã, hút thuốc, tập đi bước dài, dáng đi khệnh khạng, nịt ngực, bỏ chữ “Thị” trong tên mình và bắt em gái gọi bằng “anh”. Khó nhất là lúc đi tiểu. Để đứng tiểu, phải dùng ống trúc cắt ngắn. Đi đánh liên tục, dời chỗ ở liên tục, những nơi đóng quân chật hẹp, có khi còn ngủ chung với mấy chị dân công. Có những cô gái ngỏ lời yêu thương mẹ mà mẹ từ chối mãi không được, như cô Cà Mum đã yêu mẹ suốt 4 năm liền.
Năm 1950, mẹ được đề bạt làm Đại đội trưởng sau chiến thắng Cây Dừa (Vĩnh Thuận), Sóc Xoài (Hòn Đất) làm quân Pháp kinh hồn. Một lần Đại đội trưởng Trần Quang Mẫn được tuyên dương trên Báo Tiếng súng kháng địch, người cậu họ đọc và khoe với Nguyễn Văn Bé (Mười Bé), anh chàng bộ đội cùng đơn vị, giới tính mẹ mới bị lộ. Sau đó Mười Bé ngỏ lời cầu hôn, rồi cả hai làm lễ cưới. Lúc đám cưới, cô dâu, chú rể đều mặc đồ bộ đội của nam. Cuộc đời làm vợ của mẹ Mẫn chỉ gặp chồng được 4 lần, mỗi lần 3-4 ngày. Khi mang thai, sắp đến ngày sinh, mẹ Mẫn về nhà cha mẹ để chuẩn bị cho con chào đời. Sinh con 4 ngày thì mẹ nghe chồng hy sinh khi đánh đồn Chàng Chẹt năm 1952.
Năm 1958, mẹ Mẫn tình nguyện nhận nhiệm vụ ám sát Tỉnh trưởng Lâm Quang Phòng, một trong những tên ác ôn khét tiếng, giết người dân lương thiện, trói ké liệng xuống sông... Tại rừng tràm Ban Biện Phú ở Chắc Băng, bọn Lâm Quang Phòng đã thảm sát hàng ngàn đồng chí, cán bộ và đồng bào ta. Mẹ Mẫn chọn cách ám sát bằng dao phay chứ không phải là súng ngắn. Biết Phòng sẽ đến Tà Niên, cách Rạch Giá khoảng 10km để ăn đám giỗ ở nhà của người cô, mẹ Mẫn đã đến sớm, lao vào giúp việc gia đình, con dao giắt bên trong áo cánh, bên ngoài có thêm 2 lớp áo nữa. Sau khi dự tiệc xong, tên Phòng nằm trên võng, có 2 tên lính bảo vệ. Thừa lúc chúng không chú ý, mẹ Mẫn rút dao chém vào cổ hắn. Do hắn mặc áo kaki và con dao vướng cái võng, hắn chỉ bị sướt ở mặt. Phòng la lên, lăn xuống gầm giường, mẹ Mẫn với theo chém tiếp mấy nhát vào sườn, vào cổ. Phòng la ú ớ, cả trung đội được báo động ập đến, tìm cách bắt sống mẹ Mẫn. Mẹ Mẫn nói: “Tên Phòng giết chồng tôi, tôi giết nó để trả thù”. Chúng xông vào bắt lúc mẹ Mẫn gục trên vũng máu... Chúng tra tấn dã man, rồi kêu án mẹ 12 năm khổ sai, may nhờ luật sư cãi còn 7 năm. Thời gian bị cầm tù qua 8 khám lớn, có lúc bị biệt giam vì đánh lại cai ngục không dưới 10 lần. Có lần ở trại giam Phú Lợi, con vào thăm mà mẹ Mẫn không nhận ra, tưởng là con của nhỏ em, lúc đó thằng nhỏ 5 tuổi. Sau đó, mẹ Mẫn bị đày ra Côn Đảo cho đến cuối năm 1966, chúng buộc phải thả mẹ.
Mới 10 tuổi, con trai Nguyễn Quốc Hưng đã đi tìm mẹ, rồi sau đó đi làm liên lạc; năm 15 tuổi đi bộ đội đánh giặc, từng là bạn thân với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng. Trong trận chống càn ở Gò Quao, năm 1967, anh Hưng đã anh dũng hy sinh, trong tay còn ôm chặt 2 khẩu súng. Năm đó, mẹ Mẫn được phong “Anh hùng Lực lương vũ trang” cùng với chị Út Tịch, được ra Hà Nội gặp Bác Hồ trong đoàn dũng sĩ miền Nam.
Năm 1974, trên đường công tác qua kênh Chủ Mía, thấy một phụ nữ mang thai gần ngày sinh bị trúng bom chết, mẹ Mẫn đã nhanh chóng rút dao găm rạch một đường nhỏ để đưa bé gái ra, thổi hơi hoài không tỉnh, đến khi em bé được đem úp lên mình mẹ thì khóc ré lên. Bé gái được bộ đội đặt tên là Ngọc Hân. Sau ngày giải phóng, Hân được nuôi dạy và học tập ở TPHCM. Mẹ Mẫn vì thương Hân, thấy mình có trách nhiệm cưu mang cô gái này nên cũng bán nhà ở Kiên Giang và lên thành phố ở cùng Hân.
Binh đoàn Đồng Tháp anh hùng phụng dưỡng mẹ; một doanh nghiệp ở TPHCM tặng cho mẹ một ngôi nhà tình nghĩa và mẹ sống cùng gia đình nhỏ của Ngọc Hân ở quận Tân Phú. Có lần đến thăm, thấy mẹ ngồi trước sân nhà, đang tự tráng xi măng vá lại cái sân phía trước. Mẹ nói: “Thuê cũng mất bạc triệu”. Ở nhà có bàn ghế hư lặt vặt mẹ cũng tự sửa. Bà con xung quanh nói vui: “Có thợ trong nhà”. Đang tiếp khách, thấy có xe đổ rác đi qua, mẹ vội vàng lấy bịch quần áo cũ đưa cho người quét rác. Mẹ cho biết, hôm qua thấy ông quét rác mặc quần rách nên đã soạn sẵn quần áo để cho.
Một con người chất phác, chí khí kiên cường và tấm lòng nhân hậu, đi qua 2 cuộc kháng chiến khốc liệt, gian truân; một người mẹ cầm súng, cầm dao, bất chấp hiểm nguy, tù đày, tra tấn... vẫn thủy chung, son sắt với đất nước, quê hương. Người mẹ ấy, là một anh hùng đúng nghĩa, như một tượng đài luôn tỏa sáng giữa nhân gian.
Mẹ ra đi thanh thản. Xin kính tiễn người nữ Anh hùng, một nhân cách đẹp.