Tại hội thảo “Nâng cao nhận thức tuân thủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và quy trình đánh giá đa phương”, do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức ngày 4-3, ông Chris Batt, cố vấn chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố của UNODC cho rằng, lợi nhuận do phạm tội mà có ở khu vực sông Mekong ước tính khoảng 100 tỷ USD/năm và toàn bộ số lợi nhuận này đều cần "rửa".
Chris Batt cũng đã nêu và phân tích 5 sai lầm cơ bản mà ông gọi là "5 điều hoang đường" về rửa tiền.
Chuyên gia này cho biết, việc rửa tiền được thực hiện qua ba bước: đưa "tiền bẩn" vào nền kinh tế, tạo khoảng cách giữa lợi nhuận và tội phạm gốc, lợi nhuận quay trở lại theo cách “trông có vẻ chính đáng”.
Việc rửa tiền có thể thực hiện thông qua các định chế tài chính truyền thống, các hệ thống chuyển tiền thay thế hoặc không chính thức, các ngân hàng trực tuyến/tiền kỹ thuật số, rửa tiền dựa vào thương mại hoặc các tác phẩm nghệ thuật/đồ cổ…
Nhấn mạnh về 5 điều “hoang đường hay gặp” - 5 sai lầm cơ bản về rửa tiền, chuyên gia này nói, sai lầm thứ nhất là “quan niệm rửa tiền phải liên quan đến tiền”. Trong tội danh “rửa tiền” có bao gồm tội tư vấn về cách tổ chức sắp xếp để trốn thuế hoặc đề xuất một quốc gia nào đó sẽ che giấu thông tin chi tiết về công ty của khách hàng để che mắt các điều tra viên. Do đó, bên cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên ngành, ví dụ kế toán viên, có thể bị kết tội rửa tiền mà chưa bao giờ sờ đến một đồng xu "tiền bẩn".
“Quan niệm sai lầm thứ hai là chỉ khi rửa đạt thành công mới cần báo cáo hoạt động đáng ngờ. Hầu hết mọi người biết rằng nếu ai đó đã rửa tiền qua công ty của họ thì họ phải làm báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR), nhưng các bạn có biết rằng các bạn cũng phải làm SAR nếu như việc rửa tiền đó không thành công? Nếu lộ ra là bạn đã phát hiện và đã phá tan một âm mưu rửa tiền mà lại không làm SAR, bạn có thể bị kết tội không khai báo”, ông Chris Batt khuyến cáo.
“Điều hoang đường thứ ba”, theo chuyên gia UNODC, là nhiều người làm việc lâu năm trong lĩnh vực kế toán tự tin cho rằng họ có thể cảm nhận được một khách hàng không trung thực hoặc một giao dịch đáng ngờ nào đó. Nhưng thực tế là không thể.
“Nhiều đối tượng rửa tiền chuyên nghiệp dành nhiều năm để đạt được trình độ rửa tiền hoàn hảo”, ông nói.
Quan niệm sai lầm thứ tư là nghĩ rằng báo cáo giao dịch đáng ngờ (STRs) được sử dụng chỉ để điều tra rửa tiền. Trên thực tế, cảnh sát có thể tiếp cận thông tin STRs để giúp điều tra mọi loại tội phạm, từ buôn ma túy đến buôn người, từ tham nhũng, trốn thuế đến tài trợ khủng bố.
Và cuối cùng, một sai lầm hết sức tai hại là coi công tác phòng chống rửa tiền như một sự lãng phí thời gian và tiền bạc. Không thể phủ nhận là việc chống rửa tiền đòi hỏi công sức và nguồn lực, song việc truy tố tội rửa tiền sẽ giúp thu hồi các nguồn tiền do phạm tội mà có.