Thế nhưng, thực tế những loại tiền này vẫn đang được lưu hành, thậm chí trước đây đã có một trường công nghệ tuyên bố nhận học phí bằng đồng bitcoin. Vậy, việc thừa nhận hay không thừa nhận, ảnh hưởng đến nền kinh tế ra sao? Giải pháp nào đối với loại tiền này tại thị trường Việt Nam là vấn đề cần đặt ra.
Xảy ra nhiều vụ lừa đảo
Theo báo cáo của Thạc sĩ Đặng Vương Anh, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện trên thị trường tiền tệ thế giới có hơn 2.000 đồng tiền mã hóa khác nhau với tổng giá trị trên thị trường toàn cầu lên đến gần 400 tỷ USD. Tiền mã hóa hứa hẹn sẽ đem đến sự thay đổi lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những thay đổi của hệ thống tài chính, ngân hàng. Trong đó, quan trọng nhất là sự tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng nhà nước trung ương, vấn đề kiểm soát các mục tiêu, biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá...
Cụ thể, tiền mã hóa như tokens thường được phát hành và quản lý bởi cá nhân hoặc công ty với mục đích trao đổi quyền được sử dụng một tiện ích hoặc ứng dụng cụ thể. Tiền ảo và tiền điện tử được phát hành và kiểm soát tập trung bởi công ty, cá nhân hoặc ngân hàng trung ương các nước. Tuy nhiên, do đồng tiền mã hóa có tính ẩn danh và bảo mật tuyệt đối khiến việc kiểm soát và phòng chống rửa tiền hay trốn thuế trở nên khó khăn. Vì dễ dàng tạo ra các đồng tiền mã hóa mới cùng với sự thiếu hiểu biết và ham lợi nhuận cao của nhiều nhà đầu tư nên thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ lừa đảo huy động vốn với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu USD trên quy mô toàn cầu. Rủi ro từ hoạt động huy động vốn trái phép cũng như các công ty đa cấp hoạt động núp bóng công nghệ blockchain sẽ còn tiềm tàng nếu không sớm có những điều luật kiểm soát việc phát hành tiền mã hóa mới.
Hiện nay đã có một số quốc gia chấp nhận tiền ảo bitcoin như phương tiện thanh toán hợp pháp đối với cá nhân (Đức, Nhật Bản, Australia, Philippines). Một số nước có thái độ trung lập đối với giao dịch tiền ảo bitcoin cá nhân (Liên minh châu Âu, Anh), coi đây là loại hình đầu cơ có rủi ro cao; đồng thời kiểm soát chặt chẽ đối với việc thành lập mới các sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung, yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa hiện tại buộc khách hàng phải đăng ký thông tin cá nhân. Tuy nhiên, một số quốc gia ra lệnh cấm hoàn toàn việc giao dịch cũng như phát hành tiền mã hóa (Trung Quốc, Iran). Theo đó, không ít chuyên gia cho rằng nên đưa vào quản lý, giám sát để tránh rủi ro và thu được thuế.
Có nên quản lý để thu thuế?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, Viện Chiến lược Ngân hàng, cho biết hiện luật Việt Nam chưa thừa nhận tiền ảo, nhưng theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về thương mại điện tử thì các loại tiền ảo (ví dụ như bitcoin) không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử. Thế nhưng, theo quan điểm của Bộ Công thương thì bitcoin không đáp ứng các đặc tính cơ bản của hàng hóa hay dịch vụ nên không được xem là hàng hóa, dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nói rõ bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp khác tại Việt Nam.
Trong khi đó, Na Uy, Tây Ban Nha lại coi bitcoin là tài sản vốn và bị đánh thuế giá trị gia tăng đến 25%, Slovenia và Israel cũng đánh thuế thu nhập từ bitcoin. Đức coi sàn giao dịch bitcoin là công ty cung cấp dịch vụ tài chính và phải tuân thủ đầy đủ các quy định hoạt động như đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu, duy trì năng lực chuyên môn cần thiết của ngành và báo cáo giao dịch cho cơ quan quản lý và giám sát; Thụy Điển cũng cho rằng bitcoin cấu thành nên dịch vụ tài chính, do đó chịu quy định về báo cáo theo yêu cầu.
Để thích ứng với kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần có các chính sách quản lý liên quan tới tiền mã hóa, với tính chất vừa chặt chẽ, hiệu quả nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn vừa khuyến khích sự phát triển lành mạnh, Thạc sĩ Đặng Vương Anh có một số khuyến nghị về quản lý phát hành và giao dịch tiền mã hóa tại Việt Nam như: nghiên cứu, có thể hợp pháp hóa tiền ảo bitcoin và một số đồng tiền mã hóa có tính chất tương tự là hàng hóa hoặc tài sản có thể được giao dịch, trao đổi và đánh thuế; cho phép các sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung dưới sự giám sát đặc biệt từ các cơ quan có thẩm quyền nhằm ngăn chặn các hoạt động phạm pháp, trốn thuế, rửa tiền hoặc “chảy máu ngoại tệ”. Tổ chức hội thảo, công bố thông tin đầy đủ, rộng rãi, cảnh báo rủi ro đối với những người giao dịch, các nhà đầu tư tiền mã hóa, phòng tránh trường hợp kỳ vọng của các nhà đầu tư lên cao quá so với giá trị thực tại của thị trường tiền mã hóa, dẫn đến hiện tượng đầu cơ với lượng vốn quá lớn gây “bong bóng” tài sản, ảnh hưởng tới tính ổn định và bền vững của hệ thống tài chính cũng như an ninh - xã hội. Cần đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng về các vấn đề liên quan đến phát hành tiền mật mã mới, đặc biệt là đối với tokens thông qua hình thức phát hành lần đầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần rất nhiều thời gian để đánh giá được liệu tiền mã hóa và những công nghệ đằng sau chúng có thực sự đem lại những ứng dụng mang giá trị to lớn hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu chỉ quan tâm đến công nghệ blockchain mà coi nhẹ những trụ cột công nghệ còn lại của tiền mật mã sẽ là một thiếu sót lớn.