Hài hòa riêng - chung
“Tôi thấy có gì đâu mà nặng nề, tiền ai nấy xài, khi cần thì góp chung vô. Vợ chồng tôi thỏa thuận ngay từ khi lấy nhau, khoảng 2 năm về trước, đến nay vẫn ổn”, Mai Thị Lệ Quyên (ngụ quận Tân Bình) tâm sự. Chồng Lệ Quyên làm kỹ sư xây dựng, lương khoảng 12 triệu đồng/tháng, còn Quyên là nhân viên bán hàng, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Cả hai đang ở trọ, vẫn còn son rỗi nên không quá lo lắng áp lực nợ nần, con cái.
Quan điểm tương tự, chị Mai Cẩm Tú (quận Gò Vấp) chia sẻ, bài toán quỹ riêng - quỹ chung, tiền anh - tiền em được vợ chồng chị áp dụng từ 15 năm trước. Lúc đó, hai vợ chồng mới bắt đầu đi làm với đồng lương eo hẹp. Cả hai lên kế hoạch tìm mua nhà giá rẻ, dù xa cũng được. Tích cóp cộng với vay mượn, 2 năm sau, chị Cẩm Tú mua được ngôi nhà cấp 4 ở huyện Hóc Môn giá 400 triệu đồng.
“Đó là thời gian mình cày cuốc trả nợ, rồi lần lượt 2 đứa nhỏ ra đời sau 3 năm mua nhà. Nhờ thống nhất cách chi tiêu, cụ thể chồng trả góp tiền nhà, lo tiền điện nước; vợ đóng học phí cho con, chi tiêu ăn uống hàng ngày... mà vợ chồng mình vẫn ổn tới giờ. Riêng giỗ chạp, hiếu hỉ… sẽ có khoản chung để cùng chi tiêu. Với thưởng tết hoặc các khoản thu nhập khác, chồng đều đưa để mình cho vào tài khoản tiết kiệm riêng phòng khi cần thiết”, chị Cẩm Tú kể.
Hiện tại, gia đình chị Cẩm Tú đã bán căn nhà ở huyện Hóc Môn, chuyển về quận Gò Vấp cho các con tiện học hành.
Anh Nguyễn Quang, chồng chị Cẩm Tú, nhìn nhận, vợ hiếm khi hỏi về “quỹ đen” hoặc lục lọi xem anh có giấu giếm tiền hay không.
“Đàn ông mà, thỉnh thoảng còn phải nhậu nhẹt, ngoại giao bạn bè. Không có tiền trong túi, phải ngửa tay xin vợ thì mệt lắm. Đôi khi tôi có thêm các khoản ngoài giờ, phụ cấp, trao đổi với vợ, cô ấy bảo tôi cứ giữ để chi tiêu”, anh Nguyễn Quang chia sẻ.
Không phải gia đình nào cũng có chung tiếng nói hoặc sự thấu hiểu như trên, trường hợp của anh Khuất Vân Dũng (quận Tân Phú) là ví dụ. Sau khi cưới nhau, vợ Dũng yêu cầu chồng kê khai mức lương và đưa hết tiền cho vợ quản lý. Khi nào cần chi tiêu gì, vợ sẽ đưa lại. Chính vì bị “siết” quá, nên ngay cả khi ba mẹ ốm đau cần hỗ trợ Dũng cũng không kịp giúp. Mâu thuẫn nổ ra khi vợ Dũng phát hiện chồng có “quỹ đen” gần 20 triệu đồng.
“Thực ra tiền đó mình dự định biếu bố mẹ hai bên, nhưng cô ấy rêu rao, còn làm xấu mặt mình với người thân, hàng xóm. Áp lực và mệt mỏi, nhiều lúc mình tính buông xuôi”, anh Khuất Vân Dũng tâm sự với bạn bè.
Đồng thuận vun vén gia đình
Theo đánh giá của phần lớn chuyên gia tâm lý mà chúng tôi có dịp chuyện trò, vấn đề tiền bạc là điều nhạy cảm, khó nói trong các gia đình Việt Nam, nhưng vẫn cần phải rõ ràng giữa vợ chồng. Sự rạch ròi ở đây không nhất thiết chồng chi bao nhiêu thì vợ cũng phải bỏ ra số tiền tương xứng, mà chính là sự thấu hiểu, có giải pháp cụ thể cho những “nút thắt” tiền bạc. Việc cả hai vợ chồng chủ động thông tin với nhau về “sức khỏe” tài chính (tiền tiết kiệm, khoản nợ ngân hàng…) cũng là một trong những cách “giữ lửa” để gia đình luôn ấm êm, hạnh phúc.
Đối với trường hợp của anh Dũng, sau nhiều lần vợ làm căng, thậm chí dọa ra tòa ly dị, Dũng thừa nhận gặp khó khăn ra sao khi bị vợ quản lý chặt chẽ thu nhập. Trong quá trình chia sẻ, vợ Dũng dần hiểu chuyện và cam kết thay đổi, chung tay hỗ trợ chồng quán xuyến gia đình.
“Giờ tôi chỉ gửi vợ lương cứng, còn các khoản thu nhập nhỏ ngoài lương sẽ dành cho gặp bạn bè, chi tiêu đột xuất của gia đình. Vợ biết nhưng hoàn toàn ủng hộ, không gây khó dễ cho tôi nữa”, anh Dũng vui mừng cho hay.
Thực tế, quản lý chi tiêu trong gia đình tưởng dễ nhưng không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Ngoại trừ các trường hợp cả vợ và chồng đều đi làm, có thu nhập ổn định thì không bàn đến; một số trường hợp vợ hoặc chồng phải lùi lại phía sau chăm sóc gia đình, để nửa kia “xông pha trận mạc”, làm kinh tế trụ cột sẽ khó khăn hơn. Bởi trụ cột chỉ có một người, gánh nặng lo toan sẽ đè lên vai vợ hoặc chồng.
Chị Thanh Lâm, một giám đốc truyền thông (ở quận 3), tâm sự rằng, vài năm trước vợ chồng chị suýt phải chia tay do chồng thất nghiệp, kinh tế gia đình, gánh nặng nợ nần, con cái đổ dồn lên vai chị. May mắn cả hai đã kịp thời ngồi lại, anh chấp nhận lùi về sau làm hậu phương đưa đón con đi học (đỡ phải trả tiền giúp việc 5-6 triệu đồng/tháng), thời gian rảnh rỗi chồng chị Thanh Lâm dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho nhóm trẻ gần nhà để cải thiện thu nhập.
Để giải tỏa bớt vướng mắc sau hôn nhân, một số chuyên gia tâm lý cũng đưa ra lời khuyên, cần trao đổi thẳng thắn trong chi tiêu gia đình. Luôn có những khoản dự phòng rủi ro, đồng thời để “khoản mở” tài chính cho đối phương thỉnh thoảng mua sắm, bù khú với bạn bè. Không nên quản chặt chẽ tới mức bí bách, nhưng cũng tránh việc giấu thu nhập của bản thân.
Nếu có vướng mắc gì về chi tiêu, đừng ngần ngại trao đổi với vợ/chồng để kịp thời có hướng xử lý phù hợp. Chịu khó lắng nghe, thấu hiểu bạn đời… cũng chính là thước đo để duy trì cuộc sống hôn nhân hòa thuận. Trên hết, tuy về chung một nhà nhưng vợ chồng cũng cần không ngừng học cách tôn trọng, thấu hiểu bạn đời.