Tiêm vaccine lưu động: Giải tỏa lo lắng người dân vùng phong tỏa

Ghi nhận của PV Báo SGGP, đến thời điểm này, TP Thủ Đức cùng nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 lưu động tại khu vực phong tỏa, thậm chí đến tận nhà dân. Nhiều giải pháp linh hoạt, khẩn trương của các địa phương đang được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, sớm hiện thực hóa mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng.
Đội tiêm vaccine lưu động TP Thủ Đức tiêm ngừa cho người dân ở đường 11, phường Phước Bình. Ảnh: LƯƠNG HỢP
Đội tiêm vaccine lưu động TP Thủ Đức tiêm ngừa cho người dân ở đường 11, phường Phước Bình. Ảnh: LƯƠNG HỢP

Những điểm tiêm “dã chiến”

Hôm qua (2-8), TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức các đội tiêm lưu động cho người dân trên địa bàn. Đội tiêm vaccine lưu động đã đến tiêm ngừa cho 32 trường hợp tại chùa Diệu Giác (phường An Khánh, TP Thủ Đức).

Ngày 2-8, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 63 xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động vaccine cho các sở y tế trong cả nước. Số xe này do Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải hỗ trợ và có trách nhiệm bàn giao cho các đơn vị xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động cho 63 tỉnh thành. Có 8 điểm tiếp nhận xe là Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ.

Ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Khánh, thông tin, do trong chùa có ca mắc Covid-19 bị phong tỏa nên TP Thủ Đức điều tổ tiêm đến tiêm người trong chùa. Công tác tiêm diễn ra nhanh gọn, an toàn cho người tiêm và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Trước đó, ngày 1-8, TP Thủ Đức cũng đưa đội tiêm vaccine lưu động đến khu vực phong tỏa ở đường số 11, phường Long Bình để phục vụ người dân. Bà Dương Ngọc Phương cùng nhiều người dân khu vực vốn đang lo lắng với dịch bệnh được thông báo đi tiêm ngừa. 

Theo khung giờ được báo trước, bà Phương cùng 48 người (từ 18 đến dưới 65 tuổi, không có bệnh nền) trong xóm đã có mặt tại đường số 11. Tại đây, một điểm tiêm “dã chiến” nhanh chóng được thiết lập, với các bàn sàng lọc, bàn tiêm cùng những dãy ghế được xếp ngay ngắn, tạo khoảng cách an toàn để người dân ngồi chờ đến lượt tiêm. Đội tiêm lưu động gọi tên từng người và lấy mẫu xét nghiệm nhanh, tổ chức khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine.

Nhiều quận huyện khác cũng tổ chức các đội tiêm vaccine lưu động. Cụ thể, phường Tân Định (quận 1) đã đưa đội tiêm lưu động đến các khu phong tỏa của phường như: đường Mã Lộ, hẻm 52 Nguyễn Hữu Cầu, hẻm 15 Bà Lê Chân. Trong ngày 2-8, phường lập điểm tiêm “dã chiến” tại đường Nguyễn Hữu Cầu (do đang giới hạn lưu thông) làm nơi tiêm ngừa. Theo ông Lê Tiến Sĩ, Bí thư Đảng ủy phường Tân Định, ngày 2-8, Trung tâm Y tế quận phối hợp với phường tiêm vaccine lưu động cho hơn 270 người dân ở nơi phong tỏa. Người được tiêm là từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền được tiêm vaccine Moderna, người từ 18-65 tuổi tiêm AstraZeneca.

Tại quận Bình Tân, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho biết, từ hôm nay 3-8, phường tổ chức một đội tiêm vaccine lưu động để tiêm cho hơn 110 người dân, tại số 9A đường số 13 (phường Bình Hưng Hòa). Trong khi đó, Quyền Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều cho biết, phạm vi địa bàn quận 5 hẹp, các điểm tiêm cố định phủ khắp các phường nên quận không tổ chức tiêm tại nhà. Tuy nhiên, quận triển khai 2 đội tiêm vaccine lưu động đến những khu vực trong vùng phong tỏa có “vùng đỏ” chuyển sang “vùng xanh”, các khu chung cư trong vùng phong tỏa…

An toàn là yêu cầu cao nhất!

Bà Nguyễn Ngọc Châu (44 tuổi, ngụ hẻm 52 Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định) cho biết, con hẻm bị phong tỏa khiến gia đình bà rất lo lắng. Nay gia đình gồm 10 người đã được tiêm vaccine nên an tâm hơn. Theo bà Dương Ngọc Phương (phường Phước Bình, TP Thủ Đức), dịch bệnh lan phức tạp nên dù cố gắng ở yên trong nhà, người dân vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, mong được mau tiêm vaccine. “Mấy hôm trước, phường tổ chức điểm tiêm cố định nhưng chúng tôi ở vùng phong tỏa, không thể ra ngoài nên mọi người lo lắng mất cơ hội. May mắn có đội tiêm lưu động vào khu vực phong tỏa chúng tôi. Việc tiêm ngừa rất chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn, giải tỏa được lo lắng của chúng tôi”, bà Phương bày tỏ.

Đội tiêm vaccine lưu động TP Thủ Đức tiêm ngừa cho người dân ở đường 11, phường Phước Bình. Ảnh: LƯƠNG HỢP

Thực tế, quá trình tổ chức tiêm vaccine lưu động (hay cố định), an toàn trong quá trình tiêm vaccine là vấn đề quan trọng, được người dân rất quan tâm. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - đơn vị được giao phụ trách 2 đội tiêm lưu động, cho biết, mỗi đội lưu động đều có xe cấp cứu, 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng tham gia. Trước khi tham gia vào đội tiêm lưu động, lực lượng y tế được tập huấn kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho người dân. Ở mỗi xe cấp cứu được bố trí tủ bảo quản vaccine đáp ứng tiêu chuẩn của nhà sản xuất, cùng các trang thiết bị phục vụ tiêm, bình oxy, thuốc chống sốc, thuốc huyết áp… Trường hợp có phản ứng sau tiêm, lực lượng y tế sẽ xử lý bước đầu. Nếu tiến triển nặng, đội phản ứng nhanh (của các phường và thành phố, phục vụ người dân cấp cứu, điều trị) sẽ hỗ trợ đưa về bệnh viện gần nhất để cấp cứu.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan cũng thông tin, hiện nay quận tổ chức 19 đội tiêm vaccine lưu động, tiêm cho người trên 18 tuổi và không có bệnh nền, tại các “vùng xanh”. Mỗi đội lưu động đều có bác sĩ, điều dưỡng, các tình nguyện viên, có sự phân công trực theo dõi sau khi tiêm. Trường hợp có phản ứng sau tiêm sẽ được xử lý bước đầu rồi được đưa về bệnh viện để tiếp tục xử lý. “Ở mỗi phường đều có một tổ y tế cộng đồng, được trang bị xe cấp cứu và các trang thiết bị y tế cần thiết. Khi các đội tiêm lưu động cần, tổ y tế cộng đồng ở đó sẽ lập tức có mặt để hỗ trợ”, bà Bé Ngoan chia sẻ.

* Đồng chí HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức:

TP Thủ Đức đưa đội tiêm lưu động đến từng khu phố, tổ dân phố để tiêm những người bệnh nền. Thời gian đầu, TP Thủ Đức tập trung tiêm ngừa lưu động tại khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa để biến khu vực phong tỏa thành “vùng xanh”. Thủ Đức đã tổ chức 2 đội tiêm lưu động. Với địa bàn rộng, dân số đông, chúng tôi sẽ mở rộng các đội lưu động, đáp ứng yêu cầu tiêm chủng của người dân. Quá trình tiêm vaccine, nơi nào cần tăng cường lực lượng tiêm, nhất là khu vực phong tỏa, cách ly, chúng tôi sẽ điều động các đội tiêm lưu động hỗ trợ.


* Đồng chí NGUYỄN TRẦN BÌNH, Phó Chủ tịch UBND quận 11:
Quận có kế hoạch tổ chức 16 đội tiêm vaccine lưu động (do trạm y tế các phường phụ trách) đến tiêm vaccine tận nhà cho người dân từ 18 tuổi và người trên 65 tuổi tại “vùng xanh”. Ngoài ra, 16 đội tiêm lưu động với đầy đủ đồ bảo hộ vào nhà dân các khu phong tỏa để tiêm ngừa. Mỗi đội đều có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 2 tình nguyện viên; được trang bị xe cấp cứu và mô tô. Quận cũng bố trí các xe cấp cứu ứng trực theo từng cụm địa bàn để kịp thời vận chuyển những bệnh nhân có phản ứng sau tiêm đến bệnh viện nhanh nhất. Dự kiến, ngày 4-8, quận bắt đầu tiêm vaccine tận nhà dân, với số lượng khoảng 200 người/ngày/đội. Quận đã kiến nghị TPHCM phân bổ đầy đủ vaccine theo số dân hiện có nên sẽ không lo thiếu.

Tin cùng chuyên mục