Thống kê mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) cho thấy dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm qua đã làm gián đoạn việc học của trên 1,7 tỷ học sinh, sinh viên tại ít nhất 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện vẫn có gần 30 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học. Thực tế này cũng ảnh hưởng tới hơn 100 triệu giáo viên và nhân viên trường học.
Các nghiên cứu của UNESCO và UNICEF chỉ rõ trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai càng cao. Hơn 100 triệu trẻ em sẽ không đạt được trình độ đọc hiểu thông thạo tối thiểu do tác động của việc đóng cửa trường học. Khoảng 24 triệu trẻ em và thanh niên có nguy cơ bỏ học. Việc đóng cửa trường học cũng làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ quan trọng về bảo vệ, dinh dưỡng, sức khỏe, nhất là ở các nước chậm phát triển, trường học là nơi cung cấp bữa ăn và dịch vụ y tế thiết yếu cho trẻ em. Ngoài tình trạng hổng kiến thức, trường học đóng cửa kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
Không chỉ tích cực triển khai các chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi nhằm tạo điều kiện cho các em trở lại trường, hiện nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Tại châu Á, các thành phố ở Nhật Bản tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi trong bối cảnh ca nhiễm tăng đột biến vì biến thể Omicron, bắt đầu từ ngày 8-2. Một số thành phố lên kế hoạch tiêm chủng đại trà tại cơ sở y tế, bên cạnh bệnh viện lớn.
Thành phố Fukushima hợp tác với 5 địa phương lân cận để tiêm chủng hàng loạt. Giới chức dự kiến có khoảng 19.500 em tham gia. Ban đầu, các địa phương dự kiến tổ chức đợt tiêm chủng riêng dựa trên tình hình thực tế. Song do khó khăn về nguồn lực, họ quyết định tiêm vaccine hàng loạt. Nhật Bản ngày 21-1 phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Đây là loại vaccine đầu tiên được phê duyệt cho nhóm tuổi này với khoảng 8 triệu trẻ em đủ điều kiện tiêm. Phường Koto của Tokyo có khoảng 30.000 trẻ được tiêm vaccine tại 4 địa điểm ngày cuối tuần. Ngoài ra, trẻ cũng có thể chủng ngừa ở 60 phòng khám nhi khoa.
Cơ quan Khoa học Y tế của Singapore (HSA) cho biết không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi tại nước này. Tính đến ngày 31-12-2021, chỉ 6 trường hợp có phản ứng phụ, chiếm tỷ lệ 0,03% trong tổng số 20.327 liều vaccine đã được tiêm. HSA nhận được báo cáo về một số trường hợp trẻ có phản ứng phụ như phát ban, chóng mặt, sốt và khó thở nhưng không nghiêm trọng. Một số quốc gia châu Á như Indonesia, Malaysia, Philippines… cũng ráo riết chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ em 5 -11 tuổi.
Tại Bắc Mỹ, hơn 10 triệu trẻ em ở Canada và Mỹ đã được tiêm chủng. Giới chức nhận rất ít báo cáo về tình trạng xảy ra phản ứng phụ. Các phản ứng nhìn chung nhẹ nhàng và lành tính. Nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm chủng thấp hơn so với mắc Covid-19. Vaccine cũng an toàn với trẻ bị dị ứng thực phẩm. Trẻ có tiền sử dị ứng các loại thức ăn, thuốc uống, nọc côn trùng hoặc dị ứng thời tiết vẫn có thể tiêm chủng mà không đòi hỏi bất cứ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào.
Tại châu Âu, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi từ giữa tháng 12-2021. Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Hungary nằm trong số những quốc gia có quan điểm cởi mở trong việc tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ, khi đa số các bậc phụ huynh mong muốn con em mình được bảo vệ tối đa trước đại dịch. Đan Mạch và một số vùng thuộc nước Áo thậm chí đã triển khai tiêm cho trẻ nhỏ từ tháng 11-2021 với nguyên nhân được cho là do sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Ở Nhật Bản, giới chức lưu ý phân biệt rạch ròi vaccine dành cho người lớn và trẻ em. Vaccine cho trẻ 5-11 tuổi được sử dụng với liều lượng thấp hơn, thời gian bảo quản và rã đông cũng khác với loại sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Lọ vaccine dành cho trẻ em tại Nhật Bản có nắp màu cam, khác với nắp màu tím dành cho người lớn.
Theo hướng dẫn từ hãng dược Pfizer, trẻ 5-11 tuổi sử dụng vaccine với liều 10 microgam, bằng 1/3 so với người lớn và thanh thiếu niên. Liều thứ hai tiêm ít nhất 8 tuần sau liều đầu tiên. Các nhà khoa học nhận định trẻ em vẫn có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ dù liêm vaccine liều thấp. Trên thực tế, liều lượng này thậm chí phù hợp với cả người lớn, theo tiến sĩ Robert Frenck, chỉ đạo thử nghiệm vaccine tại Bệnh viện Nhi Cincinnati. Điều này tương đồng với nhận định trước đó, rằng lượng vaccine nhỏ cũng có thể tác dụng cao ở người nặng cân hơn.
Trước đó, ngày 23-10-2021, Pfizer công bố kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine của hãng hiệu quả hơn 90% ở trẻ 5-11 tuổi. Theo tài liệu đăng trên trang web của Cục An toàn dược phẩm Mỹ (FDA), vaccine ngăn ngừa các ca Covid-19 có triệu chứng (ít nhất 7 ngày sau liều thứ hai) ở những tình nguyện viên chưa từng nhiễm virus, hiệu quả là 90,7%. Liều lượng vaccine dựa trên độ tuổi và hệ thống miễn dịch, không phụ thuộc vào cân nặng. Vì vậy, trẻ quá cân hoặc thấp còi hơn so với cân nặng trung bình vẫn có thể sử dụng vaccine bình thường.
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bắt đầu xem xét các đề nghị sử dụng liều vaccine tăng cường Comirnaty (vaccine Covid-19 của hãng BioNTech/Pfizer) cho thanh thiếu niên 12-15 tuổi. Ủy ban Thuốc sử dụng cho người (CHMP) của EMA sẽ tiến hành đánh giá nhanh dữ liệu của vaccine Comirnaty, bao gồm cả kết quả bằng chứng thực tế từ Israel. Comirnaty là một loại vaccine Covid-19 được bào chế theo công nghệ mRNA. Hiện EMA đang đánh giá yêu cầu sử dụng liều vaccine tăng cường cho thanh thiếu niên 16-17 tuổi.