Không bắt buộc, nhưng khuyến khích tiêm
Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP về việc mua 21,9 triệu liều vaccine Covid-19 của Hãng Pfizer dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả. Trước yêu cầu trên của Chính phủ, Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục mua sắm nhằm sớm ký hợp đồng mua vaccine Covid-19 với Hãng Pfizer. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng rất thận trọng đánh giá toàn diện, khoa học và khách quan đối với vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi. Cùng với đó, trên thế giới đã có 44 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, trong đó có đến 75% dùng vaccine Pfizer. “Khi có vaccine này, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Tuy việc tiêm vaccine Covid-19 không phải bắt buộc nhưng ngành Y tế khuyến khích tất cả người dân tiêm cho trẻ vì thực tế có khoảng 80% trường hợp tử vong do mắc Covid-19 thời gian qua là do không tiêm vaccine, hoặc tiêm không đủ mũi.
Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết, dự kiến trẻ từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine Covid-19 tại những điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ em lớn hơn vừa qua. Những trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường, những trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế; đối với trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng. “Chúng tôi sẽ tập huấn cho cán bộ y tế ở các tuyến rất chi tiết, cụ thể về các phản ứng sau tiêm, cũng như theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm”, bà Dương Thị Hồng nêu rõ.
Chú ý theo dõi trẻ sau tiêm
Dưới góc độ chuyên gia y tế, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM, cho rằng, trước đây WHO không ủng hộ tiêm chủng cho trẻ em nhưng đến ngày 21-1, WHO mới bắt đầu ủng hộ tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên vì qua các kết quả nghiên cứu đều cho thấy tiêm vaccine cho trẻ em khá an toàn. “Việc tiêm cho trẻ em vẫn có lợi, đặc biệt khi trẻ có nhu cầu học tập, sinh hoạt. Trẻ đi học mà không được tiêm nếu mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác; đồng thời khi trẻ chưa tiêm chủng thì các hoạt động dã ngoại, vui chơi cũng phải hạn chế một phần. Do vậy, việc tiêm cho trẻ em cần được ủng hộ”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh và chỉ rõ, qua các kết quả nghiên cứu, nhiều chuyên gia của WHO nhận định tiêm vaccine không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Đồng quan điểm, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, cho biết, nhiều cuộc thử nghiệm vaccine đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone nên ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm. Tuy nhiên các bậc phụ huynh, người giám hộ cần lưu ý luôn ở bên cạnh trẻ sau khi tiêm vaccine trong vòng 24 giờ. Không để ăn uống các chất kích thích và vận động mạnh ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine. Trước khi đi tiêm, động viên trẻ tại nhà, giải thích cho trẻ lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn trẻ tự theo dõi sức khỏe bản thân. “Sau tiêm, phụ huynh cần chủ động theo dõi và chia sẻ với trẻ về cảm nhận cơ thể, thường xuyên đo thân nhiệt, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Mục đích là theo dõi sát sức khỏe của trẻ để tránh nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi, nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục… cần đưa đi khám ngay và không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau…”, TS Phạm Quang Thái khuyến cáo.
Để chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã khảo sát trực tuyến hơn 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua khảo sát có 60,6% số phụ huynh đồng ý tiêm, 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc, 29,1% cân nhắc và chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý. |