Tiệm sách cũ và giá trị văn hóa lịch sử

Giữa chốn phố thị Hà Nội đông người và sự ồn ào của nhịp sống nhanh, vẫn còn đâu đó nơi dừng chân yên bình nhuốm màu thời gian của người yêu sách: tiệm sách cũ.

Không biển quảng cáo hút mắt, không chương trình ưu đãi, nhưng thứ thu hút khách hàng đến với những tiệm sách cũ là mùi thơm của giấy cũ và giá trị văn hóa lịch sử trong những cuốn sách hiếm thấy. Ở thủ đô, dọc theo đường Láng, trên phố cổ hay phố Đinh Lễ, vẫn còn những tiệm sách cũ như vậy với một lượng khách quen lâu năm.

CN5 chuyen pp.jpg
Cùng yêu sách và bén duyên với nhau qua sách, nhiều đôi bạn trẻ chọn tiệm sách Mão làm không gian chụp ảnh cưới

Nổi tiếng là tiệm sách Mão, lâu đời nhất Hà Nội với tuổi đời 30 năm, là tâm huyết của ông bà Lê Luy - Phạm Thị Mão, tọa lạc trên tầng 2 của khu tập thể số 5, phố Đinh Lễ với 5 gian sách có tổng diện tích khoảng 200m2. Ban đầu, tiệm sách Mão chỉ là một chiếc bàn sách bé tí được ông Luy và bà Mão bày bán ở vỉa hè ngay ngã ba phố Đinh Tiên Hoàng - Đinh Lễ vào thập niên 90. Sau 3 năm bán sách rong, ông bà đã tìm mua được một phòng bán sách trên tầng 2, số 5 Đinh Lễ. Cứ thế, với niềm đam mê săn tìm những cuốn sách hay, ông bà đã mua bản quyền từ tác giả và xuất bản hàng ngàn đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn Almanach - Những nền văn minh thế giới.

Được thiết kế theo cấu trúc cổ Pháp, tiệm sách Mão là nơi “mọt sách” có thể lê la cả ngày để tìm cuốn sách ưng ý, hay đơn giản là tìm một nơi yên tĩnh và thoải mái nghiền ngẫm cuốn sách yêu thích. Là khách quen từ thời sinh viên, anh Vụ trở thành quản lý nhà sách Mão với nguyên tắc đặt độc giả vào vị trí trung tâm, tôn trọng và lắng nghe khách hàng.

Chị Ngọc Anh (con gái của chủ tiệm sách Mão) cho biết: “Từ những câu nói của khách hàng thành đạt khi quay trở lại gặp mẹ tôi “nếu ngày xưa không có bà cho đọc sách miễn phí, thì sinh viên nghèo không thể có ngày hôm nay”, tôi nhận ra giá trị của văn hóa đọc và quyết tâm giữ Mão là tiệm sách cũ với hàng ngàn cuốn sách hay mà bố và người mẹ quá cố của tôi đã dày công tìm kiếm và xuất bản độc quyền”.

Trong bối cảnh số hóa, mọi thứ dần chuyển sang nền tảng trực tuyến, và sách không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, sách giấy, đặc biệt là sách cũ vẫn có giá trị riêng mà sách điện tử không thể thay thế. Mùi giấy mục thơm lạ, cảm giác được lật giở từng trang sách, những bài học được kể một cách chậm rãi là thứ níu chân độc giả. Đặc biệt, như chị Ngọc Anh nhận xét, một số cuốn ngày nay đã tuyệt bản, độc giả chỉ có thể tìm kiếm chúng ở những tiệm sách cũ. Chính giá trị văn hóa lịch sử là nguồn sống cho tiệm kinh doanh sách cũ.

Có lẽ vì thế, những tiệm sách cũ vẫn sống ẩn mình giữa bao náo nhiệt của thủ đô, lưu giữ lại những giá trị văn hóa lịch sử qua những cuốn sách nhuốm màu thời gian.

Tin cùng chuyên mục