Tiệm sách cũ thời kỹ thuật số

Học sinh xúm xít tại cửa hiệu tìm mua những cuốn sách phục vụ việc học hành; các vị thẩm phán, luật sư, chính trị gia ưu tư lựa sách hay những cuốn tạp chí ưng ý... Đó là hình ảnh thời vàng son của tiệm sách mang tên Modern của gia đình ông Noorul Islam ở đường Bras Basah, Singapore nhiều thập niên trước. 
Tiệm sách cũ Ana
Tiệm sách cũ Ana
Bố ông Islam là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh sách khi mở Modern vào năm 1939. Lên 10 tuổi, cậu bé Islam đã theo cha học kinh doanh. Năm 12 tuổi, Islam cùng ông nội gánh việc kinh doanh của cửa hàng khi cha cậu qua đời, trong khi các anh chị lớn của Islam đã ra nước ngoài sinh sống.
Cậu bé Islam ngày nào giờ đã là một người đàn ông 65 tuổi và cửa hàng sách Modern giờ cũng đã đổi tên thành tiệm sách Ana, chuyên kinh doanh sách cũ, và chuyển về  Far East Plaza ở đường Orchard. Ana là một trong số ít những tiệm sách cũ còn tồn tại và được xem là thiên đường cho các mọt sách trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.
Khách hàng đến mua sách tại Ana thường là những người lớn tuổi. Họ tìm những cuốn sách cũ, truyện tranh mà ông Islam vẫn gọi vui là đồ cổ, không còn xuất bản và không thể tìm ở bất cứ một nơi nào khác. Các cuốn tự truyện, sách về đề tài chiến tranh, tạp chí cũ được xếp từng chồng cao tận trần nhà. Dưới sàn là các thùng sách bày kín, chờ khách lựa chọn. Đến với Ana, khách hàng phải là những “tỷ phú” thời gian bởi để chọn được một cuốn sách ưng ý trong “biển” sách tại tiệm không phải là việc dễ dàng. Và rất thường xuyên, khách phải nhờ tới sự giúp đỡ của ông Islam nếu muốn tìm cuốn sách mình cần.
Ruhul, con trai của ông Islam, từng hỏi tại sao ông không sử dụng hệ thống giá, kệ sách như trong các thư viện hay cửa hàng sách khác để khách thuận tiện hơn trong việc mua sách. Câu trả lời của ông Islam đã khiến cậu con trai vô cùng bất ngờ rằng khi khách đến tiệm, họ đã định hình sẵn cuốn sách cần mua. Khi họ hỏi thăm, ông đưa ra những gợi ý về những cuốn sách họ chưa từng nghe qua hoặc nghĩ tới và qua đó, họ có thể mua cuốn sách mà tiệm Ana có. Đó chính là nghệ thuật bán hàng của ông Islam.
Những năm gần đây, sự phổ biến của sách điện tử tác động không nhỏ đến việc kinh doanh của những cửa hàng sách như Ana. Theo ông Islam, doanh thu từ bán sách cũ của ông đã sụt giảm 20%, may mà có lượng khách quen ổn định. Tương lai của những tiệm, cửa hàng sách như Ana đang gặp phải nhiều thách thức. Ông Islam có 2 người con trai, 1 người con gái và 6 đứa cháu. Chủ tiệm sách Ana cho hay ông có thể đóng cửa tiệm sách để dành thời gian bên con cháu. Tuy nhiên, tiệm sách cho ông công việc để ông cảm thấy vui vẻ hơn, năng động hơn. Và quan trọng hơn, đó là nơi giúp ông có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới trên thế giới để chia sẻ đam mê về sách. Tiến sĩ Jan Slikkerveer, người Hà Lan là một ví dụ. Mỗi khi đến Ana, vị tiến sĩ này lại đàm đạo cả giờ với ông Islam về sách và đến khi ra về, hành lý của Tiến sĩ Slikkerveer thêm nặng vì sách. Đó là lý do mà ông Islam quyết tâm duy trì tiệm sách cũ cho đến khi không còn đủ sức và tài chính mới thôi. 

Tin cùng chuyên mục