Theo các nhà khoa học, virus SARS-CoV-2 có thể tăng khả năng đột biến sau mỗi lần lây truyền từ người này sang người khác. Do đó, việc có thêm một nhóm đối tượng được bảo vệ sẽ giúp hạn chế rủi ro này. Tiêm phòng cho trẻ em cũng giúp giảm sự lây lan "thầm lặng" của virus khi hầu hết số ca mắc Covid-19 ở trẻ em không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
Chuyên gia về virus học tại Đại học Wisconsin-Madison, ông David O’Connor cho rằng, càng ít người nhiễm virus SARS-CoV-2 càng ít có khả năng xuất hiện biến thể mới. Ngoài ra, các biến thể mới có khả năng cao xuất hiện ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch và nhiễm virus trong thời gian dài.
Theo ước tính của Trung tâm mô hình hóa kịch bản Covid-19, việc đưa trẻ em đi tiêm phòng có thể tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong tương lai. Theo đó, từ tháng 11-2021 đến hết ngày 12-3-2022, việc tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi có thể ngăn chặn khoảng 430.000 ca mắc Covid-19 ở Mỹ nếu không có bất kỳ biến thể mới xuất hiện. Trong trường hợp biến thể mới có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến thể Delta xuất hiện vào cuối mùa thu, số ca mắc Covid-19 có thể ngăn chặn lên tới 860.000 ca.
Hiện Mỹ đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 28 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi. Theo số liệu của Nhà Trắng, kể từ đầu tháng 11, khi cơ quan quản lý Mỹ phê duyệt tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở nước này, đến nay khoảng 10% trong số trẻ em độ tuổi này tại Mỹ đã tiêm một mũi vaccine. Theo đó, tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em ở Mỹ nhanh gấp hơn 3 lần so với tốc độ tiêm cho người lớn khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng.