Thị trường đầy khốc liệt
Theo Bộ NN-PTNT, mỗi năm thị trường sữa Trung Quốc có giá trị ước tính khoảng 30 tỷ USD. Nguồn cung sữa trong nước của Trung Quốc chỉ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa. Năm 2018, nhập khẩu sữa Trung Quốc lên tới gần 2,8 triệu tấn, tương đương 11 tỷ USD. Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), năm 2019, Trung Quốc có thể nhập khẩu hơn 39 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa vẫn chiếm đến 45% tổng nhu cầu về sữa vào năm 2025. Với tốc độ tăng trưởng này, đây là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu sữa sang Trung Quốc .
Hiện nay, sữa Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành đạt xấp xỉ 5 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam sẽ xuất khẩu sữa chính ngạch qua thị trường Trung Quốc trong năm nay và dự báo kim ngạch xuất khẩu vươn lên vị trí thứ nhất.
Phân tích vấn đề này, ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, cho hay trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Iraq đạt 88,28 triệu USD, tăng 29,37%, tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 11,59 triệu USD, tăng 52,9%. Tuy nhiên, thị trường sữa Trung Quốc cạnh tranh rất khốc liệt và phân mảnh, thậm chí các thương hiệu nội địa của Trung Quốc cũng chỉ mạnh ở một số khu vực địa lý nhất định. Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ sau vụ sữa nhiễm Melamine, Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra an toàn, nâng cao hệ thống pháp luật quản lý chất lượng sản phẩm từ sữa và sữa nhập khẩu, được cho là chặt chẽ nhất thế giới. Cùng với đó, nguồn cung dồi dào từ nhiều quốc gia cũng như nỗ lực từ các doanh nghiệp nội địa sẽ khiến cuộc chiến thương mại giành thị phần trở nên gay gắt hơn bao giờ hết; cạnh tranh thị trường không chỉ là giá cả mà còn ở chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, truyền thông thương hiệu…
Xây dựng sữa đạt chuẩn
Ngoài quy định của thị trường nhập khẩu, để cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác đã có “thâm niên” hơn trên thị trường Trung Quốc, nhiều công ty của Việt Nam đã xây dựng nền móng từ nhiều năm trước cho việc xuất khẩu sữa. Đơn cử, nhiều năm qua, cơ quan chức năng Trung Quốc đã sang Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (TH true Milk) để kiểm định, thẩm định, đánh giá năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm sữa. Song song đó, TH true Milk có chi nhánh phân phối sản phẩm tại Quảng Châu; hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như C-Store, Circle-K; xây dựng hệ thống nhà phân phối ở Thâm Quyến, Quảng Tây và mở rộng hệ thống phân phối tại Bắc Kinh, Thượng Hải. Tương tự, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký kết hợp tác cùng Bộ NN-PTNT tiến hành xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới, hướng đến việc nâng cao chất lượng sữa tươi nguyên liệu từ nông dân nuôi bò để trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị. Ngoài sự đầu tư về kênh phân phối, Vinamilk còn quan tâm tìm hiểu và tôn trọng nền văn hóa bản địa sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững. Để đem lại sự tiện lợi, Vinamilk đã đầu tư gian hàng riêng trên các trang thương mại điện tử, phân phối vào các chuỗi siêu thị của Trung Quốc và đã có mặt tại Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hà Nam và các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, hiện tổng đàn bò sữa của Việt Nam có hơn 300.000 con, với sản lượng sữa khoảng 960.000 tấn/năm. Chăn nuôi bò sữa hiện nay có 2 phương thức là chăn nuôi hộ gia đình với hơn 26.000 hộ, chiếm 55% và chăn nuôi trang trại quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao chiếm 45% với hơn 1.700 trang trại. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến xác định, thị trường sẽ trở thành đầu kéo giúp sản xuất trong nước tăng trưởng mạnh, tiềm năng chăn nuôi phát triển và hy vọng sẽ giúp giá sữa tăng cao hơn.
Bên cạnh những thuận lợi còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do vậy, vừa qua Bộ NN-PTNT đã thành lập thêm nhóm công tác PPP về chăn nuôi nhằm thu hút đầu tư, hướng ngành chăn nuôi nói chung và bò sữa nói riêng theo chuỗi khép kín, giúp nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Để tăng số lượng, chất lượng của sữa, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết đến năm 2020, phấn đấu tổng đàn bò sữa đạt 500.000 con, tổng sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn, tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Năm 2030, tổng đàn bò sữa đạt 700.000 con, tổng sản lượng sữa đạt 2 triệu tấn. Để đạt mục tiêu này, chăn nuôi bò sữa phải chú trọng khâu giống, khoa học - công nghệ, nguồn thức ăn thô. Cùng với đó, hệ thống khuyến nông tăng cường tập huấn kỹ thuật và đào tạo cho người chăn nuôi bò sữa, thành lập các hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi bò sữa liên kết sản xuất để nâng cao giá trị và sản phẩm chế biến. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng do Trung Quốc đặt ra đối với sữa nhập khẩu liên tục thay đổi.