Nhiều dư địa
Hơn 10 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, mở cửa thị trường, đến nay nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đã hiện diện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức.
Cùng với việc mở điểm bán, các nhà bán lẻ cũng không ngừng tìm kiếm mặt hàng để đưa vào hệ thống phân phối của mình tại nhiều quốc gia nhằm đa dạng hóa, tạo sự lựa chọn cho khách hàng.
Một trong những đơn vị nổi bật xuất khẩu hàng Việt qua kênh phân phối là Tập đoàn Aeon (Nhật Bản). So với các nhà bán lẻ khác, Aeon vào Việt Nam muộn hơn, chỉ xây dựng được 4 trung tâm mua sắm nhưng lại dẫn đầu trong việc xuất khẩu hàng qua hệ thống với tổng giá trị đơn hàng lên tới hơn 250 triệu USD/năm.
Trên thực tế, Aeon đang sở hữu 16.468 điểm bán tại nhiều quốc gia với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản. Ông Yasuo Nishitoghe, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết tại các cửa hàng của Aeon đang bày bán rất nhiều mặt hàng, nhưng tất cả đều phải trải qua quá trình quá trình cạnh tranh mới vào được.
Nếu hàng hóa của Việt Nam vào được hệ thống của Aeon tại Nhật Bản và các quốc gia có hiện diện điểm bán của Aeon, cũng đồng nghĩa doanh nghiệp (DN) Việt có thể thắng được trong cuộc cạnh tranh quốc tế.
Phía Aeon Nhật Bản mong muốn, đến năm 2020, doanh thu xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống phải tăng gấp đôi và gấp 4 lần vào năm 2025. Con số này rất khả thi vì nhu cầu cung ứng hàng hóa cho hệ thống là rất lớn, nhưng để đạt được đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía DN và sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành Việt Nam lẫn Tập đoàn Aeon.
Tháng 8-2014, Tập đoàn BJC (Thái Lan) mua lại 19 điểm bán của Metro Cash & Carry tại Việt Nam, sau đó, đơn vị này đã hoàn tất việc thay đổi thương hiệu thành MM Mega Market, đồng thời bắt tay với nhà vườn hình thành các vùng chuyên canh để xuất khẩu hàng nông sản vào hệ thống của mình. Tháng 1-2017, Công ty MM Mega Market chính thức xuất khẩu lô hàng nông sản đầu tiên vào hệ thống BigC tại Thái Lan.
Ông Phidsanu Pongwatana, Tổng Giám đốc MM Mega Market Việt Nam, cho hay Tập đoàn BJC đang có hơn 1.000 siêu thị BigC tại Thái Lan.
Nhưng đến nay, số lượng hàng Việt được bày bán tại hệ thống này không nhiều, chỉ có khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, ớt chuông… Hiện đơn vị đang tìm kiếm thêm các sản phẩm như dệt may, thủy hải sản, thực phẩm chế biến và nông sản.
Saigon Co.op và đối tác của nhà bán lẻ hàng đầu tại Singapore là Tập đoàn NTUC. Nhiều năm qua 2 bên cũng đã thực hiện khá nhiều đợt xúc tiến để chọn lựa hàng hóa xuất khẩu nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn…
Cần vượt lên chính mình
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và qua các kênh phân phối nói riêng, dù đã có mặt nhiều tại nhiều thị trường, song phổ biến nhất vẫn phải thông qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Hàng xuất khẩu trực tiếp cho các mạng lưới phân phối chiếm tỷ lệ rất thấp, cả về số lượng và giá trị kim ngạch.
Là người trực tiếp thu mua và xuất khẩu, ông Phidsanu Pongwatana đánh giá, hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả rất cạnh tranh và khá tương đồng với thị trường Thái Lan nên hoàn toàn có thể xuất khẩu vào hệ thống BigC Thái Lan.
Tuy nhiên, điểm yếu của hàng Việt là chưa có sự đầu tư đúng mức về bao bì, mẫu mã, DN chưa chú trọng khâu quảng bá để tạo sự nhận biết cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Theo ông Shibata Eiji, Trường phòng Kinh doanh và hậu cần, Tập đoàn Aeon, Nhật Bản có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm, nhưng DN Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí thật cụ thể.
Đơn cử, với thực phẩm, tiêu chí quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, kinh doanh bền vững và có đạo đức. Ngành nông nghiệp Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn, việc hữu cơ hóa sản phẩm nông sản không tiến triển nhiều như mong đợi.
Trong khi đó, sản phẩm hữu cơ Việt Nam hoàn toàn có thể được cấp đông bằng công nghệ tiên tiến để xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua Aeon.