Sáng 19-4, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi.
Tham dự có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; cùng nhiều đại biểu từ các tỉnh đến tham dự.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị cao như sâm bảy lá, đương quy, sa nhân, tam thất… Trong đó, quế Trà Bồng được xếp vào “Tứ đại danh dược”, vỏ quế và tinh dầu quế được sử dụng trong công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, hương liệu…
Vùng đất Trà Bồng hiện có hơn 5.200ha quế, mỗi năm thu hoạch khoảng 1.600-2.000 tấn vỏ quế. Trong đó khoảng 70% xuất khẩu làm tinh dầu và đồ thủ công mỹ nghệ. Quế Trà Bồng được Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận là một trong những đặc sản quà tặng châu Á và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện có 17 sản phẩm chiết xuất từ cây quế được tỉnh Quảng Ngãi công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Văn hóa cồng chiêng của người Cor, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Được ví như “cổng trời” của Quảng Ngãi, núi Cà Đam nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, nơi đây phù hợp trồng các loại dược liệu quý như sâm bảy lá một hoa, thiên niên kiện, gừng gió, lan kim tuyến, sa nhân tím, trầm hương, sâm đương quy… Huyện Trà Bồng đã thử nghiệm thành công mô hình “Trồng cây gừng gió xen canh một số cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày”.
Cây quế mang lại nguồn thu nhập cho người dân huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Tại huyện Sơn Tây, các nhà khoa học, nghiên cứu đã đi thực địa tại rừng phòng hộ Azin, một trong những khu rừng lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, đây là nơi nhiều người dân trồng gừng gió. Huyện Sơn Tây cũng đã thử nghiệm trồng các loại cây dược liệu như tam thất, sâm bảy lá,… các vườn cây dược liệu đang phát triển và bước đầu cho thu hoạch.
Không chỉ có thế mạnh dược liệu, các vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn có tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, tiềm năng phát triển du lịch, trong đó cảnh quan thiên nhiên hồ chứa nước Tôn Dung (thị trấn Ba Tơ), thác Lệ Trinh, thác Cao Muôn hùng vĩ, đặc biệt cao nguyên Bùi Hui (huyện Ba Tơ), vùng đất Trà Bồng còn là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Trà Bồng có nhiều cảnh đẹp như núi Cà Đam, suối Trà Bói, núi Răng Cưa… Tại huyện Minh Long có thác Trắng, còn huyện Sơn Tây, Sơn Hà có hồ chứa nước Nước Trong, thác Lụa,… cảnh quan hoang dã và hùng vĩ giữa đại ngàn Đông Trường Sơn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên phát biểu. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên phát biểu: “Với diện tích rừng rộng lớn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với các ngành nghề chính là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp, là vùng có điều kiện phát triển chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, thủy điện, du lịch”.
Tuy nhiên, trong thời gian qua những tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát huy được lợi thế. Với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, hội nghị là dịp các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư cùng với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.
Triển khai thực hiện thúc đẩy thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã kết nối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp khảo sát thực tế tìm cơ hội đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, địa phương thảo luận các vấn đề liên kết phát triển vùng trồng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chia sẻ các mô hình tối ưu phát huy chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
TS. Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện dược liệu, Bộ Y tế, chia sẻ các giải pháp phát huy chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi. Trong đó, chú trọng đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật địa phương, nhất là các cán bộ dân tộc miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu nhắm đến giải quyết giảm nghèo và phát huy lợi thế vùng này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cộng đồng người dân, chuyên gia quyết tâm đồng hành cùng tỉnh Quảng Ngãi, qua đó, phát huy tinh thần tự lực tự cường, hỗ trợ, hướng dẫn, tôn trọng người dân để chính người dân phát huy hết tiềm năng của họ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có ý kiến rằng, Quảng Ngãi rất đa dạng về văn hóa, con người, đặc sản… Do vậy, khi lựa chọn đầu tư thì lựa chọn những cái đặc thù, đặc hữu để khi làm ra sản phẩm thì mang tính đặc trưng tỉnh Quảng Ngãi nhưng phải lớn, phải bền vững, tạo ra thu nhập bền vững cho người dân. Từ đó, tạo ra mục tiêu lợi nhuận giữa các bên, doanh nghiệp phải có lợi nhuận, người dân phải có thu nhập và phải sống được trên mảnh đất của họ thì mới phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp tham gia ký kết đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu UBND các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nghiên cứu các mô hình, dự án phát triển sản xuất trong các lĩnh vực. Các địa phương cần chú ý tập trung đổi mới cách làm, phương thức hỗ trợ cho các dự án đảm bảo về quy mô phù hợp, gắn kết, phân định rõ vai trò của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hộ dân trong quá trình tham gia vào các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.