Từ lâu, một số doanh nghiệp đã tiên phong đầu tư dây chuyền sản xuất trái cây đóng hộp. Việc phát triển mô hình đóng hộp tuy được cho là “phao cứu sinh” cho trái cây trong nước nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân khiến sản phẩm trái cây đóng hộp gặp khó như các doanh nghiệp phân tích là do nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định, chất lượng thấp.
Thói quen tiêu dùng của người Việt đa phần vẫn thích ăn trái cây tươi hơn chế biến. Trong khi đó, chi phí vận chuyển và khấu hao cho các nhà bán lẻ cao nên lợi nhuận thu về ở thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, đa phần sản phẩm đóng hộp chỉ phục vụ xuất khẩu. Song sản phẩm phải chịu sự chi phối khắt khe từ thị trường nhập khẩu nên nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Dù vậy, trong tương lai, với sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng sẽ là điều kiện giúp cho ngành sản xuất chế biến trái cây khởi sắc hơn. Sản phẩm trái cây đóng hộp đã xuất hiện trên thị trường Việt khá lâu.
Người tiêu dùng Việt đã quen thuộc với các loại quả đóng hộp như vải, thơm (dứa). Tuy nhiên, kể từ khi các thức uống trà trái cây du nhập vào thị trường Việt Nam vài năm gần đây đã nhanh chóng chinh phục giới tiêu dùng trẻ tuổi.
Món trà trái cây được sử dụng phong phú các loại trái cây vốn là thế mạnh sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam như xoài, táo, lê, mơ, đào, chôm chôm, nhãn, vải… Lúc này, người tiêu dùng Việt mới bắt đầu để ý đến các sản phẩm trái cây chế biến.
Trên thị trường, giờ đây chỉ cần tìm kiếm từ “trái cây đóng hộp” trên Internet là hàng loạt thông tin sản phẩm, nhà cung cấp hiện ra.
Nhiều sự lựa chọn sản phẩm từ đậu, trái cây, củ năng… sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc. Một số chị em khéo tay còn tự chế biến các món trái cây ngâm để dùng trong gia đình.
Về lâu dài, nếu như thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn, các doanh nghiệp đánh giá được bài toán kinh doanh hiệu quả sẽ đầu tư phát triển sản xuất. Lúc này, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm để thưởng thức, giải khát.