Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, khoảng 10 năm trở lại đây, cây ca cao đã chứng minh được tính ổn định, hiệu quả cao, giúp người trồng loại cây trồng này tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác nhờ thực hiện tốt hình thức trồng xen canh dưới tán điều, cà phê, cây ăn trái. Bên cạnh đó, giá cả, thị trường tiêu thụ cũng khá thuận lợi. Trong 8 năm qua, giá hạt khô ca cao lên men liên tục tăng, từ 45.000 đồng/ kg (năm 2017) lên 140.000 đồng/kg (năm 2024). Trong khi tính theo thời điểm hiện tại thì ngưỡng hòa vốn sản xuất ra 1kg hạt khô ca cao lên men chi phí mất 47.000 đồng. Với giá bán hiện tại, cho thấy cây ca cao đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh có diện tích trồng ca cao rất ít, chỉ 310ha (chiếm 6,17% diện tích ca cao cả nước).
Về giống, tính thích nghi đã được kiểm chứng. Với bộ giống dòng vô tính ca cao được trồng ban đầu vào năm 2005 tại tỉnh Bình Phước, qua 19 năm phát triển sản xuất, cho thấy có 5 dòng vô tính thể hiện rõ ưu thế về các mặt sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng,… Đó là các dòng vô tính TD3, TD5, TD6, TD8, TD9. Đến nay, có thể khẳng định, cây ca cao hoàn toàn thích nghi tốt ở tất cả các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh, đạt năng suất hạt khô lên men trung bình 2,4kg/cây/năm (cao hơn kỳ vọng 2kg/cây/năm của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT). Về khả năng phát triển vùng nguyên liệu, hiện toàn tỉnh có hơn 152.000ha điều, hơn 13.900ha cà phê, hơn 17.000ha cây ăn trái các loại. Đây là nhóm cây có tán che hợp lý để có thể trồng xen canh cây ca cao mà không cần phải tốn thêm quỹ đất trống để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 76 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ; hệ thống sông, suối khá dày đặc; hệ thống hồ chứa nhiều với trữ lượng nước dồi dào. Các địa phương có thế mạnh phát triển cây ca cao, như Đồng Phú, Bù Đăng, thị xã Phước Long, Bù Gia Mập, Chơn Thành.
Với những lợi thế trên, tỉnh Bình Phước có thể mở rộng phát triển diện tích cây ca cao trồng xen canh dưới tán các nhóm cây trồng thích hợp (điều, cà phê, cây ăn trái) lên đến 30.000ha. Và nếu khai thác tốt cả nguồn nước ngầm với trữ lượng khá dồi dào, có thể mở rộng diện tích trồng xen canh cây ca cao lên đến 60.000ha (đã được đánh giá sơ bộ năm 2005 khi thực hiện dự án ACDI/VOCA).