Tiềm năng phát triển các sản phẩm công nghệ ứng dụng từ tế bào gốc

Ngày 8-12, Hội Tế bào gốc TPHCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ XII với chủ đề “Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc”. Hội nghị có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia y học đến từ Việt Nam, Italia, Hàn Quốc, Singapore cùng thảo luận về các tiềm năng nghiên cứu, ứng dụng từ tế bào gốc.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, hiện nay tế bào gốc toàn năng và tế bào đa năng là những loại tế bào rất đặc biệt có khả năng phát triển và biệt hóa thành mọi cơ quan của con người. Trong những năm qua, những nghiên cứu khám phá về tế bào gốc đã mở ra nhiều triển vọng ứng dụng trong y sinh học tái tạo, động vật chuyển gen, protein tái tổ hợp ở người, cơ quan sinh học của con người, dược phẩm…

joh01385-3445.jpeg
Sự kiện có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia y học đến từ trong và ngoài nước

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cho biết, đến nay hàng trăm nghìn bệnh nhân ung thư và các bệnh khác đã được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc tạo máu. Trong khi liệu pháp này được coi là phương pháp điều trị tiêu chuẩn trong điều trị ung thư, một số bệnh về máu và suy giảm miễn dịch nguyên phát. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp tế bào đối với nhiều loại bệnh trên mô hình động vật, có hiệu quả của liệu pháp tế bào đối với nhiều bệnh nan y như bệnh về gan mật, hệ thần kinh, bệnh hô hấp và tự miễn...

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật hiện đang là lĩnh vực phát triển trong khoa học đổi mới, hứa hẹn có tiềm năng vượt trội với khả năng phân chia và biệt hóa. Tế bào thực vật có thể được nuôi cấy ở quy mô lớn trong các bioreactor, được ứng dụng làm thành phần mỹ phẩm và thành phần thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

Theo ông Sang Hyun Moh, Trường Cao đẳng Y khoa Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc), công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật được đánh giá là nhân tố chủ chốt giúp mang lại giải pháp bền vững cho việc cung cấp nguyên liệu mà không gây tổn hại đến hệ sinh thái. Công nghệ này cũng mang đến cơ hội bảo tồn cho các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, mở ra những khả năng mới cho việc sản xuất vật liệu sinh học từ các nguồn gen này.

“Trong bối cảnh KHCN nuôi cấy tế bào thực vật đóng vai trò nền tảng cho nông nghiệp tế bào, cho phép tạo ra các sản phẩm dinh dưỡng, bao gồm protein thực vật, nucleic acid và hóa thực vật. Như vậy, công nghệ này đã sẵn sàng để xác định lại nguồn dinh dưỡng và thúc đẩy một lối sống lành mạnh hơn”, ông Sang Hyun Moh nhấn mạnh.

TS.BS Ciro Gargilo, Khoa Tiền bệnh viện và cấp cứu, Bệnh viện SG Giuseppe Moscati (Taranto, Italia) cho rằng, tầm quan trọng của tế bào gốc trong quá trình phát triển, tái tạo và sửa chữa mô được khẳng định qua khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các tế bào trưởng thành của chúng. Tế bào gốc hiện diện trong tất cả các cá thể và chúng có khả năng hoạt động đến cuối cuộc đời, tuy nhiên tác động trong bảo vệ vật chủ khỏi virus vẫn còn hạn chế. Gần đây, các nhà khoa học đã nhấn mạnh việc sử dụng tế bào trong lĩnh vực trị liệu miễn dịch, đặc biệt là mở rộng tiềm năng sử dụng tế bào gốc theo hướng có thể phục hồi các hoạt động cụ thể của cơ thể thay vì chỉ sử dụng các giao thức nghiên cứu thông thường.

joh01418-8736.jpg
PGS.TS.BS Trần Công Toại, Chủ tịch Hội tế bào gốc TPHCM chia sẻ tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.BS Trần Công Toại, Chủ tịch Hội tế bào gốc TPHCM cho rằng, những ứng dụng về gen và tế bào gốc đã và đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội, khả năng chữa trị các bệnh lý di truyền đến khả năng tái tạo mô cơ thể, góp phần cho sự tiến bộ về KHCN. TPHCM đã có những chính sách đột phá nhằm thu hút, giữ chân và hội tụ được những tinh hoa KHCN, phấn đấu đưa TPHCM trở thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, trong đó có lĩnh vực gen và bào gốc.

Tin cùng chuyên mục