Với tiềm năng tự nhiên ưu đãi, nếu tận dụng tốt, TPHCM có thể tự tạo nguồn được nguồn năng lượng lớn, đặc biệt là điện sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt. Quan trọng hơn, sử dụng những nguồn năng lượng ít phát thải là giải pháp ứng phó tốt nhất trong bối cảnh nước ta đang chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Nhà máy điện… trên mái nhà
Một trong những nguồn năng lượng tái tạo bắt đầu được quan tâm khai thác là điện mặt trời. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy thành phố có nguồn năng lượng dồi dào từ ánh sáng mặt trời vì lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m²/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m²/ngày vào tháng 7, số giờ nắng trung bình trong tháng dao động 100 - 300 giờ.
Không chỉ tận dụng ánh sáng mặt trời để làm nóng nước, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã bắt đầu quan tâm đến việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà để sản xuất điện. Việc tự tạo ra nguồn điện để sử dụng vừa cảm giác thú vị lại vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện.
KTS Nguyễn Thanh Liêm, chuyên thiết kế các công trình nhà ở dân dụng, cho hay, nếu cách đây 5-6 năm khi tư vấn lắp đặt tấm pin mặt trời chỉ nhận được cái lắc đầu, thờ ơ thì nay nhiều khách hàng đã chủ động tìm hiểu và đề nghị thiết kế hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cho ngôi nhà mới của họ. Hộ gia đình thông thường lắp khoảng 2kWp công suất, chi phí khoảng 70- 80 triệu đồng là hài hòa.
KTS Liêm sơ tính, 1kWp công suất pin năng lượng mặt trời sản sinh khoảng 5 kWh/ngày, công suất 2kWp thì được 10kWh/ngày, tương đương 300kWh/tháng. Với mức giá điện bán lẻ 1.500 - 2.500 đồng/kWh thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được khoảng 450.000 - 750.000 đồng tiền điện, 12 - 13 năm sẽ thu lại vốn lắp đặt. Đa phần các nhà cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời cam kết bảo hành trong 10 năm nhưng kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, tuổi thọ các tấm pin mặt trời có thể lên đến 20- 25 năm.
“Tất nhiên, điện mặt trời trên mái nhà không thể thay thế hoàn toàn cho hệ thống điện lưới quốc gia, chúng tôi tư vấn khách hàng sử dụng nguồn điện này cho các thiết bị gia dụng như hệ thống chiếu sáng, router wifi, tủ lạnh, hệ thống an ninh… đảm bảo không bị gián đoạn khi cúp điện. Hơn cả là góp phần bảo vệ môi trường vì thiết bị này không phát thải gây ô nhiễm trong quá trình sử dụng, vừa tận dụng được tài nguyên là ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, tận dụng các tấm pin mặt trời để làm mái che trên tầng thượng cũng giúp tiết kiệm thêm một khoản tiền”, KTS Liêm chia sẻ.
Sắp tới, khi giá điện tiếp tục tăng thì việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời chắc chắn sẽ càng được nhiều người dân quan tâm. Bên cạnh đó, Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng mặt trời mới được phê duyệt đã chốt giá điện trên mái nhà là 2.086 đồng/kWh. Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành việc xây dựng phương án mua điện thì các hộ dân hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường sản xuất và mua bán điện.
Với kích cỡ của các tấm pin mặt trời hiện nay và các thiết bị đi kèm, nếu đầu tư một nhà máy điện mặt trời, ước tính bình quân 1MW chiếm từ 1,1 - 2ha diện tích đất - một con số khá lớn đối với một thành phố “tấc đất tấc vàng” vì tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Thế nhưng, đô thị hóa cũng đã tạo ra vô số mái nhà.
Các chuyên gia về năng lượng nhận xét, nếu kế hoạch phát điện trên mái nhà của TPHCM suôn sẻ thì không những tạo ra sản lượng điện đáng kể mà còn tiết kiệm được diện tích đất (lẽ ra để xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời) cho các ngành sản xuất khác. Đây có lẽ là giải pháp “vẹn cả đôi đường” trong bối cảnh hiện tại. Dẫu vậy, không thể phát triển tràn lan mà cần một kế hoạch để quản lý và sử dụng.
Cần chiến lược phát triển
Sắp tới các chuyên gia tiếp tục khảo sát thực địa, sẽ chọn ra một số khu vực để trực tiếp đo đạc, tính toán lại xem con số 33% tăng giảm ra sao, từ đó mới đề xuất một số kế hoạch lắp đặt, đấu thầu tìm nhà cung cấp thiết bị, tính toán chi phí để cho vay vốn và hỗ trợ tìm kiếm các nhà đầu tư...
Trước đó, thành phố từng triển khai chương trình thí điểm xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời trên địa bàn. Trong 2 năm thí điểm 2015 - 2016, các hộ gia đình, tổ chức tham gia lắp đặt hệ thống pin mặt trời sẽ được hỗ trợ 2.000 đồng/kWh. Tổng kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ cho chương trình này là 10 tỷ đồng. Đến nay thành phố đã có 90 điểm phát điện từ điện mặt trời kết nối lưới điện quốc gia với tổng công suất đạt khoảng 2MW.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng sẽ hỗ trợ thành phố đánh giá lại kết quả của chương trình thí điểm này. Dự kiến đến tháng 10-2017 sẽ có kế hoạch cụ thể về việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
Trên thực tế, chẳng có công nghệ nào là “đũa thần” không có khuyết điểm. Các tấm pin mặt trời có thể không phát thải trong quá trình vận hành nhưng khi hết “tuổi thọ”, chúng sẽ là những chất thải nguy hại, không dễ xử lý. Vì thế, song song với việc khuyến khích người dân đầu tư hệ thống điện mặt trời, các cơ quan chức năng cần thực hiện triệt để quy định việc các doanh nghiệp sản xuất- phân phối phải thu hồi, xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng theo Quyết định 16/2015 Quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, do Thủ tướng Chính phủ ban hành.