Đáp ứng tiêu chuẩn
Sản phẩm keo tản nhiệt có chứa vật liệu than nano/graphene được ứng dụng làm vật liệu giao tiếp nhiệt cho các thiết bị điện tử như chip máy tính, đèn LED... nhằm đảm bảo hiệu suất làm việc và tuổi thọ cho các thiết bị này. Trong đó, vật liệu graphene được nhóm nghiên cứu Phòng thí nghiệm nano thuộc SHTP Labs chế tạo thành công bằng phương pháp hóa học.
TS Đỗ Hữu Quyết, trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm, cho biết: Các tính chất của vật liệu graphene đã được kiểm tra tại nhiều nơi, như Viện Công nghệ nano và Phòng thí nghiệm trọng điểm vật liệu polymer và composite (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), Phòng kiểm định đánh giá chất lượng thuộc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp TPHCM. Kết quả cho thấy vật liệu khi đưa vào keo tản nhiệt giúp sản phẩm có tuổi thọ cao, khả năng tiếp xúc bề mặt hiệu quả và độ dẫn nhiệt riêng bằng hoặc hơn các sản phẩm khác trên thị trường.
Cụ thể hơn, sản phẩm có các thông số kỹ thuật như: hệ số dẫn nhiệt 1,62 W/m.K, DSA1 có hệ số dẫn nhiệt > 2W/m.K và DSA2 có hệ số dẫn nhiệt > 3W/m.K. Sản phẩm đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) với mã số đăng ký SC 1-2016-03212, đạt chỉ tiêu môi trường QUATEST 3. Bước đầu, sản phẩm được ứng dụng thí nghiệm trong các sản phẩm máy tính thương hiệu Venr, đèn LED Rạng Đông.
Theo ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTP Labs, loại keo tản nhiệt này lâu nay doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính và đèn LED ở Việt Nam phải nhập khẩu về để sản xuất. Hiện trên thị trường có khoảng 10 thương hiệu keo tản nhiệt nhập khẩu. Keo tản nhiệt DSA của SHTP Labs ngoài có chất lượng bảo đảm, còn có thể cạnh tranh tốt về giá với các sản phẩm nhập khẩu. Keo tản nhiệt DSA có độ ổn định cao, giá thành thấp với mức 20.000 đồng/hộp 20g, 240.000 đồng/hộp 500g.
Thị trường đầy hứa hẹn
TS Đỗ Hữu Quyết cho biết thêm: “Khi chúng tôi nghiên cứu và chế tạo keo tản nhiệt DSA thì bài toán thị trường được hướng đến. Cụ thể là thị trường trong nước với các công ty thiết kế, lắp ráp đèn LED; công ty lắp ráp, sản xuất máy tính, điện thoại, chip… và thị trường bán lẻ”.
Trước mắt, SHTP Labs cùng hợp tác với Công ty Chíp Sáng - một doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao - để làm “bàn đạp” cho sản phẩm này ra thị trường lớn hơn.
Giải thích cho mối hợp tác này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chíp Sáng, cho rằng từ một sản phẩm nghiên cứu vượt qua “thung lũng chết” để thương mại được trên thị trường là không dễ dàng. Đã có rất nhiều kết quả nghiên cứu tốt nhưng chỉ dừng lại ở những mẫu thử tại vài doanh nghiệp, những bài báo khoa học. Vậy nên rất cần một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
Công ty Chíp Sáng với bề dày trong phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ đặc biệt liên quan đến công nghệ điện tử, thiết bị điện…, thì với sản phẩm keo tản nhiệt DSA, họ nhìn thấy thị trường rộng mở.
“Chúng tôi liên kết, hợp tác, sản xuất và kinh doanh những sản phẩm công nghệ cao nên sản phẩm keo tản nhiệt DSA sẽ không đi theo hướng nhỏ, lẻ. Cụ thể, Chíp Sáng cùng SHTP Labs phát triển sản phẩm ở quy mô lớn hơn. Đưa sản phẩm ra thị trường bằng cách đi vào các doanh nghiệp sản xuất công nghệ lớn”, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết thêm.
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, khẳng định sản phẩm nghiên cứu đi vào thương mại hóa là cả một quá trình, với keo DSA cũng vậy, nên sự hợp tác với Công ty Chíp Sáng là hết sức cần thiết để sản phẩm được sản xuất công nghiệp, được đưa vào sử dụng ở các công ty sản xuất thiết bị điện tử.