Kế hoạch này nằm trong cam kết của Nhật Bản với Nam bán cầu, khi Tokyo coi tăng cường quan hệ với các quốc gia đối tác ở khu vực là một phần của chiến lược duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.
Thuật ngữ Nam bán cầu, thường được dùng để chỉ các nước đang phát triển và các nước mới nổi ở khu vực Trung - Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, hay Đông Nam Á. Nam bán cầu chiếm hơn 85% dân số thế giới và gần 40% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) toàn cầu.
Một số quốc gia Nam bán cầu đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thoát nghèo đói. Đây là các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào và tiềm năng phát triển kinh tế có thể giúp các nước phát triển như Nhật Bản khắc phục các khủng hoảng về giá cả năng lượng, lương thực tăng cao hay gián đoạn chuỗi cung ứng.
Sách Xanh ngoại giao năm 2023 của Nhật Bản nêu rõ, điều vô cùng quan trọng là phải hợp tác với các quốc gia mới nổi và đang phát triển theo cách toàn diện để vượt qua những sự khác biệt về giá trị và lợi ích trong chủ nghĩa đa phương. Chính sách hợp tác với các nước Nam bán cầu vào thời điểm này có thể xem là cách thức mới của Nhật Bản nhằm thể hiện vai trò nước lớn trong các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.
Thông qua đầu tư, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tìm giải pháp cho những thách thức xã hội mà các thị trường mới nổi đang phải đối mặt, chẳng hạn như giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy số hóa.
Theo đó, Nhật Bản sẽ mở rộng hợp tác kỹ thuật trong khai thác đô thị, tái chế các khoáng chất quan trọng từ các thiết bị điện tử bỏ đi, đồng thời cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Các khoản đầu tư này cũng nhằm khuyến khích các công ty khởi nghiệp của Nhật Bản thâm nhập vào các quốc gia Nam bán cầu ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Đại Dương.
Gói hỗ trợ đầu tiên trị giá khoảng 140 tỷ yen (935 triệu USD) nằm trong gói kích thích kinh tế của chính phủ Nhật Bản sẽ hoàn tất vào đầu tháng tới.