Diễn đàn do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GDP và lọt nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đồng thời, Chính phủ kiên định cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng trong hiện đại hóa hạ tầng, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sản xuất của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo và công nghệ cao.
Bộ Tài chính cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan; bảo đảm môi trường tài chính ổn định, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực then chốt như công nghệ cao, bán dẫn, chuyển đổi xanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Ishiba Shigeru cho biết, với thị trường 100 triệu dân và nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Việt Nam thực sự là một điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn.
Ông cho biết ngày hôm qua đã đến thăm Khu công nghiệp Thăng Long và cảm nhận sâu sắc sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam tại đây.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng bất ổn, việc Nhật Bản và Việt Nam - những quốc gia có chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ - hợp tác để nâng cao trình độ công nghiệp là một cơ hội lớn. Hai Thủ tướng đã nhất trí nâng cấp quan hệ kinh tế song phương trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Nhật Bản - Việt Nam.
Trong đó, về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - lĩnh vực trọng tâm của Việt Nam, hai bên đang chuẩn bị mở chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ chip bán dẫn tại Đại học Việt Nhật - một dự án hợp tác biểu tượng giữa hai nước.

Nhật Bản cũng sẽ tiếp nhận khoảng 250 nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ trong lĩnh vực bán dẫn, tương ứng với một nửa mục tiêu chiến lược quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường trao đổi nhân lực thế hệ mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến.
Thủ tướng Nhật Bản cho biết, ông càng tin tưởng sâu sắc rằng tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam là không có giới hạn.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là minh chứng sinh động cho quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản đang bước vào giai đoạn phát triển mới với sự tin cậy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nghĩ sâu làm lớn và những động lực hợp tác mới.
Thủ tướng đánh giá, qua hơn 50 năm vun đắp và xây dựng, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, thực chất, trở thành một hình mẫu quan hệ đặc biệt tốt đẹp với sự tin cậy chính trị cao, lợi ích ngày càng tương đồng, lĩnh vực hợp tác ngày càng toàn diện, bao trùm, lòng tin chiến lược ngày càng sâu sắc với tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả, cùng có lợi".

Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục phát huy vai trò trụ cột và là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp vốn ODA và hợp tác lao động lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác thương mại và du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.
Tính đến tháng 3-2025, Nhật Bản có hơn 5.500 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn gần 80 tỷ USD, trải rộng trên 59 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung vào công nghiệp sản xuất, chế biến, năng lượng, công nghệ cao. Trong quý 1-2025, vốn đầu tư từ Nhật Bản tăng trên 20%, là tín hiệu tích cực cho giai đoạn hợp tác mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bước vào năm thứ hai của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản. Hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, nhất là phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ngành công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đồng hành và tăng cường hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác phát triển (ODA), nhất là trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm tài chính quốc tế, chuyển đổi xanh.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp hàng đầu của hai nước đã chia sẻ về kế hoạch kinh doanh, đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn.
Các tổ chức, doanh nghiệp của hai nước cũng đã trao các biên bản ghi nhớ nhằm hướng tới hình thành hệ sinh thái hợp tác đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ cao giữa Việt Nam và Nhật Bản.