Quá trình sa mạc hóa do biến đổi khí hậu kéo dài đã khiến những dải đất ven biển của tỉnh Bình Thuận biến thành những “tiểu sa mạc”, tập trung chủ yếu tại phường Mũi Né (TP Phan Thiết) và khu vực Hòa Thắng - Hòa Phú, thuộc 2 huyện Bắc Bình, Tuy Phong.
Với diện tích khoảng 120ha, Đồi cát bay Mũi Né (phường Mũi Né) từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Điểm độc đáo nhất của đồi cát này là hiện tượng “cát bay, cát nhảy”. Cứ sau mỗi đợt gió lớn hoặc trải qua một ngày đêm thì diện mạo của đồi cát lại thay đổi, khác hẳn với hình dạng trước đó. Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận cho biết, đồi cát này hiện do Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại Thanh thiếu nhi Bình Thuận quản lý, nhưng hoạt động kém hiệu quả, tình trạng buôn bán hàng rong còn diễn ra lộn xộn, vệ sinh môi trường chưa được quan tâm.
Tương tự, nằm trong danh lam thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình), đồi cát Trinh Nữ nằm cạnh 2 bàu nước là Bàu Ông và Bàu Bà trong xanh bốn mùa, cảnh quan tươi đẹp nhưng hiện cũng chưa thu hút du khách và gặp nhiều chồng chéo trong việc khai thác. Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, cho biết: Ban Quản lý thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng chỉ quản lý các bàu nước, còn đồi cát Trinh Nữ thuộc đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong quản lý. Một số cá nhân, doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ du lịch tự phát tại đồi Trinh Nữ như kinh doanh hàng quán, cho thuê xe vượt đồi cát…, gây khó khăn cho việc quản lý và bảo tồn, tôn tạo cảnh thiên nhiên nơi đây. Việc đưa xe trọng tải vào hoạt động tại đồi cát Trinh Nữ chưa được tính toán sẽ làm gia tăng nguy cơ cát lấp đáy hồ, làm biến dạng cảnh quan trong danh lam thắng cảnh Bàu Trắng.
Thời gian qua, nhiều nhân tố thiên nhiên, con người đã làm ảnh hưởng đến những đồi cát tự nhiên ở tỉnh Bình Thuận. Trong đó, ngoài vấn đề rác thải sinh hoạt, kinh doanh làm mất mỹ quan, các hình thức thể thao trên cát được cho làm tăng độ nén đất tầng mặt, cát sẽ không thể di chuyển được theo gió, làm mai một cảnh đẹp tự nhiên vốn có.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ngoài 2 đồi cát nói trên, Bình Thuận còn có nhiều đồi cát thơ mộng khác chưa được khai thác do vướng các quy định, nhất là vướng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan. Mặc dù mỗi năm, Đồi cát bay Mũi Né và danh lam thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng thu hút 200.000-300.000 lượt khách, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng du lịch.
Theo định hướng quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né và quy hoạch xây dựng chung của tỉnh Bình Thuận, du lịch biển, cát, nghỉ dưỡng, sinh thái sẽ là những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để khai thác cũng như bảo tồn, tôn tạo những đồi cát độc đáo, UBND tỉnh Bình Thuận đang lên kế hoạch cho đấu giá toàn bộ khu vực Đồi cát bay và khu vực phụ cận để có giải pháp bảo tồn, tôn tạo và biến nơi đây trở thành thắng cảnh du lịch với các loại hình dịch vụ đa dạng.
Đại diện một số sở ngành của địa phương cũng cho rằng, tỉnh Bình Thuận nên xem xét theo hướng giao cho những doanh nghiệp có năng lực về tài chính đầu tư theo hình thức đấu giá để khai thác gắn với bảo tồn, tôn tạo thắng cảnh.
Trong khi đó, tại những đồi cát ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú, UBND tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét đưa một số khu vực ra khỏi vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan để địa phương có điều kiện mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, tôn tạo, phát triển du lịch. “Cần giữ lại sự nguyên vẹn của các đồi cát nhằm tạo dấu ấn mới lạ, đặc trưng. Nếu có sự chung tay của các nhà đầu tư thì sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho du lịch tỉnh nhà”, ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, chia sẻ.