Ngành công nghiệp điện ảnh châu Phi hiện đang sử dụng khoảng 5 triệu lao động, tạo ra 5 tỷ USD. Theo Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, những thành quả bước đầu của ngành công nghiệp điện ảnh châu Phi phản ánh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế; là tiền đề để tất cả quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Senegal cũng được xem là nước có mô hình kinh doanh phim ảnh phát triển với các dịch vụ truyền hình và hệ thống phát trực tuyến nở rộ như Netflix và Disney +… Ở Kenya, Rwanda, Ethiopia và Senegal, các thế hệ đạo diễn mới đã có thể sống được bằng nghề. Mặc dù quy mô và thu nhập thấp hơn, Mauritius và Cape Verde đã đạt được thành công tương đối, nhờ sự hỗ trợ của khu vực tư nhân và các ngân hàng cung cấp tín dụng cho phim ngắn và phim tài liệu. UNESCO đánh giá Cape Verde đã có một bước tiến rất lớn về công nghiệp điện ảnh trong 5 năm qua.
Tuy vậy, theo UNESCO, tại châu Phi, số lượng rạp chiếu phim vẫn còn khiêm tốn, bình quân 780.000 người/rạp chiếu phim. Vi phạm bản quyền cũng là vấn đề lớn. Báo cáo của UNESCO ước tính, doanh thu của ngành công nghiệp này ở châu Phi thiệt hại từ 50% đến hơn 75% do tình trạng vi phạm bản quyền. Ông Ernesto Ottone, Trợ lý Giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO, cho biết, các nhà làm phim không nhận được tiền bản quyền cho tác phẩm của họ, vì vậy cần phải áp dụng luật pháp mạnh mẽ hơn. 30 trong số 54 quốc gia của châu Phi thiếu các Ủy ban Điện ảnh quốc gia hoặc các tổ chức có thể bảo vệ tác quyền. Ông Ottone nói: Nếu các quốc gia châu Phi không nhanh chóng đề ra các biện pháp bảo vệ tác quyền, các nhà sản xuất phim sẽ tìm sang các quốc gia khác, nơi bảo vệ tác quyền tốt hơn”. Ngoài ra, chỉ có 19 trong số 54 quốc gia châu Phi cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà làm phim. Làm phim ở châu Phi còn gặp thách thức như kiểm duyệt khắt khe, trình độ dân trí chưa cải thiện, cũng như kết nối Internet còn hạn chế.
Năm 2021 đánh dấu 2 thập niên kể từ khi ra đời Tuyên bố UNESCO đề cao sự đa dạng văn hóa của nhân loại. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định, phim ảnh là “hàng hóa công cộng” cần sự hỗ trợ và đầu tư xứng đáng để đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng trong sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng. UNESCO cam kết giúp ngành công nghiệp điện ảnh châu Phi và những người ra quyết định nắm bắt được bối cảnh hiện tại, cũng như lập kế hoạch chiến lược cho sự tăng trưởng trong tương lai. UNESCO sẽ đề ra nhiều khuyến nghị tại cuộc họp các bên liên quan trong lĩnh vực điện ảnh và văn hóa trên khắp châu Phi tại Liên hoan Điện ảnh và Truyền hình liên Phi ở Ouagadougou, Burkina Faso, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10.