Hồi chuông cảnh báo
Vào buổi trưa 10-3, Trung tâm mua sắm Vincom+ Nam Long trên đường Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM bất ngờ xảy ra cháy. Ngay sau khi phát hiện sự cố, lực lượng PCCC tại chỗ đã nhanh chóng triển khai các phương tiện sẵn có tích cực chữa cháy. Tuy nhiên, do sự cố xảy ra trên cao nên hệ thống chữa cháy spinler không phát huy được hiệu quả tối đa. Vì vậy, khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hỗ trợ mới dập tắt được đám cháy. Theo Phòng Cảnh sát PCCC quận 7, nguyên nhân vụ cháy do sự cố từ hệ thống thiết bị điện (chập dây dẫn điện ở bảng hiệu). Vụ cháy gây thiệt hại 5/50m2 diện tích bảng hiệu điện của trung tâm, ước tính khoảng 3 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vòng Thụ Phấn, Giám đốc Ban quản lý tòa nhà Vincom+ Nam Long, cho biết: “Vào thời điểm xảy ra sự cố có khá đông người dân đang mua sắm và giải trí tại trung tâm. Nhờ thông tin về sự cố cháy nhanh chóng được ban quản lý tòa nhà truyền đi thông qua hệ thống loa; đồng thời, lực lượng bảo vệ kiêm đội viên đội chữa cháy cơ sở tổ chức hướng dẫn cho người dân thoát ra bên ngoài nhanh chóng nên không có hậu quả đáng tiếc về người. Việc xử lý vụ cháy nhanh chóng, một phần do hệ thống PCCC được trang bị đầy đủ và hoạt động tốt. Tất cả đều được kiểm tra định kỳ; các biển báo, biển hiệu, phương tiện PCCC được lắp đặt tại những nơi dễ thấy, dễ sử dụng; nhân viên làm việc tại siêu thị 100% đều được tập huấn qua công tác PCCC”.
Hiện tại, thời tiết đang trong mùa hanh khô. Đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy nổ và gia tăng các vụ cháy lớn. Vụ cháy xảy ra tại Trung tâm mua sắm Vincom+ Nam Long thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy tại siêu thị, trung tâm thương mại; đặc biệt là liên quan đến sử dụng điện an toàn. Trước đó, tại TP Hà Nội, siêu thị Thành Đô ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, cũng bất ngờ bốc cháy khiến toàn bộ kết cấu 2 tầng của siêu thị đổ sập, hàng hóa bên trong bị thiêu rụi. Nguyên nhân vụ cháy cũng được xác định do chập điện tại quầy bán thức ăn nhanh…
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, qua kiểm tra nhận thấy một số siêu thị, trung tâm mua sắm rất hay vi phạm các quy định an toàn về PCCC. Nguyên nhân phần lớn do các cơ sở này đều tận dụng không gian để trưng bày hàng hóa; một số siêu thị thuê lại không gian tại chung cư, tòa nhà cao tầng nên việc thiết kế thiếu đồng bộ. Siêu thị, trung tâm thương mại cũng chứa nhiều hàng hóa là chất dễ cháy như nhựa, vải vóc, hóa chất khiến nguy cơ cháy lớn càng cao. Các tủ chứa thực phẩm đông lạnh, đồ điện gia dụng bày bán hoạt động liên tục, ít được bảo dưỡng nên cũng dễ xảy ra chập điện.
Chủ động phòng ngừa
Hiện đang vào mùa hanh khô, đòi hỏi càng phải nâng cao ý thức phòng cháy. Đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể; tiếp tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở khuyến cáo các siêu thị, trung tâm thương mại chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức cho các đơn vị quản lý siêu thị, trung tâm thương mại ký cam kết thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy...
Trên địa bàn phụ trách có đến 8 chợ lớn nhỏ, 10 siêu thị và 3 trung tâm thương mại với mức độ tập trung người dân mua sắm đông đúc, Thượng tá Đặng Văn Tại, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 7, cho biết đơn vị đã và đang phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng cháy nổ ở các địa điểm trọng yếu này.
Đơn vị cũng đưa ra khuyến cáo các hộ kinh doanh không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng; tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác trong nhà chợ. Có niêm yết nội quy PCCC, gắn biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ về cháy nổ. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện và cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng, từng quầy, sạp của hộ kinh doanh. Khi hết giờ kinh doanh phải cắt toàn bộ hệ thống điện (trừ hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ được lắp riêng biệt).
Để hàng hóa dễ cháy cách bóng đèn, chấn lưu đèn neon, bảng điện tối thiểu 0,5m. Không sử dụng bàn ủi, bếp điện, lò sấy, lò sưởi; không dùng bóng đèn điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm. Nhắc nhở thường xuyên các chủ quầy không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp. Không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận.
Đặc biệt, theo thượng tá Đặng Văn Tại, siêu thị, trung tâm thương mại bố trí phía trên của nhà nhiều tầng phải có cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp. Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, được làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn đối với từng tầng, từng khu vực, ngành hàng; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn.
Thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này. Phải có đủ nguồn nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà theo quy định. Khu vực nguồn nước, máy bơm nước chữa cháy, các thiết bị PCCC phải bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy, dễ thao tác sử dụng; không bị lửa khói tác động khi có cháy…
Điều đáng nói, nhiều người đến mua hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại không thấy hết nguy cơ cháy nổ hoặc nắm bắt các biện pháp thoát thân khi có sự cố xảy ra. Chị Phùng Thị Nguyệt, ngụ quận Tân Bình TPHCM, cho biết dù hay đi mua hàng ở các siêu thị lớn có, nhỏ có nhưng rất ít biết lối thoát nạn của siêu thị nằm ở đâu hoặc các hướng dẫn cần kíp khi cháy nổ xảy ra. “Khi có cháy, nếu đang mua sắm trên tầng cao, chắc tôi chỉ biết chạy đến thang máy để xuống đất nhanh nhất”, chị Nguyệt cười nói.