Hơn mười năm nay, gần như mỗi dịp giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ ở Long Khốt (19-5) - chiến trường xưa trên đất Vĩnh Hưng (Long An), ông Tám Trần đều có mặt. Ông có mặt cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng) ở đây không chỉ để kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - mà điều sâu thẳm hơn là về thăm lại chiến trường xưa, nơi đã thấm đẫm máu xương đồng đội - những người đồng chí, người lính thuộc quyền của ông qua mấy cuộc chiến tranh.
Ngày 19-5-2018, người ta không thấy sự có mặt của ông Tám. Cựu chiến binh Phùng Ngọc Đồng, người đã từng làm chiến sĩ liên lạc cho ông Tám thời đánh Mỹ, cho biết, ông Tám bị tai biến, đang cấp cứu tại Bệnh viện Quân đội 175.
Từ chiến trường xưa Long Khốt trở về, tôi vội chạy vào bệnh viện thăm ông Tám.
Tại phòng số 8 khoa A12 (hồi sức cấp cứu), ông Tám nằm trên giường bệnh, mắt nhắm nghiền. Bình oxy và các thiết bị y tế chằng chịt. Tôi không còn nhận ra hình dáng người thủ trưởng cũ nữa. Cô y tá trực ghé tai tôi nói khẽ:
- Chú thăm chừng 5 phút thôi nhé!
Từ phòng bệnh bước ra, người tôi chông chênh như đi trên mây. Điều gì cũng có thể xảy ra. Người thủ trưởng cũ của tôi, một chỉ huy dũng cảm, nghĩa tình, phong độ như một dũng tướng một thời nơi trận mạc, nay sức đã tàn, lực đã kiệt.
Ông Tám Trần là danh xưng hàng ngày mọi người gọi. Tên đầy đủ trong lý lịch của ông là Bùi Đức Trần. Ông Tám Trần sinh năm 1945 tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tròn 20 tuổi, tháng 2 năm 1965, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng) lúc ấy thuộc Sư đoàn 316. Năm 1967, Trung đoàn 174 được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu, ông Tám Trần là cán bộ thuộc đại đội 21 trinh sát của Trung đoàn. Gắn bó với Trung đoàn 174 gần 20 năm, từ chiến sĩ trinh sát ông trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174. Khi cuộc chiến đấu giúp bạn ở Campuchia diễn ra quyết liệt, ông được giao nhiệm vụ làm Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 5 rồi được điều động làm Sư đoàn trưởng 2 sư đoàn thuộc Quân khu 7, đó là Sư đoàn 302 (1990) và Sư đoàn 317 (1994)...
Tôi gặp ông Tám lần đầu vào năm 1973, khi ông Tám về làm chính trị viên phó tiểu đoàn 6. Đó là một sĩ quan có dáng cao to, da trắng và nụ cười thường trực. Là cán bộ trưởng thành từ lính trinh sát, trong công việc ông Tám luôn thận trọng, tỉ mỉ. Tôi nhớ có lần tôi cùng ông đi làm công tác dân vận ở cửa khẩu Trại Bí (Tây Ninh), nơi đơn vị đóng quân. Tôi là cấp dưới, nhưng ông luôn tôn trọng ý kiến của tôi. Ông Tám nói:
- Chú là trợ lý chính trị, lại văn hay chữ tốt, chú cứ nói cho bà con nghe. Có điều gì bà con hỏi tôi sẽ trả lời.
Được thủ trưởng giao, tôi đã tự tin nói chuyện với bà con vùng mới giải phóng. Tan buổi gặp, má Chín mời chúng tôi về thăm nhà. Nhà má Chín có cô con gái tuổi đôi mươi, dáng thon thả, mái tóc dài như suối cứ nằng nặc nói má mời chúng tôi ở lại dùng cơm với gia đình. Do bận công tác, chúng tôi không ở lại được. Trên đường về đơn vị, ông Tám nói vui:
- Nhờ chú mày khéo nói nên mẹ con cô ấy mới nhiệt tình thế. Đúng là “sư phụ” rồi.
Sau này tôi không còn được cùng công tác với ông Tám, nhưng mỗi khi gặp lại, ông vẫn đùa vui gọi tôi là “sư phụ”.
Đầu những năm 80 thuộc thế kỷ trước, ông Tám được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174. Đó cũng là giai đoạn cuộc chiến đấu giúp bạn Campuchia diễn ra quyết liệt. Vốn là lính trinh sát, ông Tám bám sát đơn vị. Có lúc gặp địch, Trung đoàn trưởng cùng chiến đấu như một chiến sĩ thực thụ.
Điều mọi người ghi nhận ở ông Tám là sống thiệt tình, chiến đấu thì dũng cảm, sáng tạo, còn sống với anh em hết mình. Điều đặc biệt với nhân dân Campuchia, ông Tám như người anh em ruột thịt. Sống chân thành, gần gũi, chính ông Tám đã cùng đơn vị giúp bạn đào tạo nhiều cán bộ cho quân đội Campuchia, trong đó có những người nay là cán bộ cấp chiến lược của nhà nước và quân đội Hoàng gia Campuchia.
Trong chiến tranh không phải trận nào cũng thắng, cũng thuận lợi. Có trận ta tổn thất lớn, hàng chục anh em hy sinh. Sau này, hàng năm, ban liên lạc bạn chiến đấu của Trung đoàn tổ chức giỗ trận, ông Tám luôn có mặt. Có lần ông thắp nhang đứng thật lâu trước bàn thờ đồng đội, đôi mắt ông đẫm nước. Hỏi ra mới biết, chính trận đó ông trực tiếp chỉ huy; trận đánh không cân sức nên dẫn đến tổn thất...
Được cấp trên cho nghỉ hưu theo chế độ, ông Tám vẫn không ngơi nghỉ. Ông làm cố vấn cho Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 174. Khi dự án nâng cấp khu vực chiến trường xưa Long Khốt thành khu Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia khởi động, ông Tám dốc sức cùng địa phương bổ túc hồ sơ, cung cấp tư liệu để trình cấp trên công nhận. Lo cho người nằm xuống, ông Tám còn chăm lo cho những người đang sống - những cựu chiến binh đang gặp khó khăn. Cách đây mấy tuần, gặp chúng tôi, ông nhắc sớm lo kinh phí để làm nhà tình nghĩa cho một số thương binh đang không có nhà ở, phải sống nương nhờ, tạm bợ. Đợt giỗ liệt sĩ 19-5 này tại Long Khốt, ông không về được vẫn gọi điện dặn tôi “thúc” địa phương sớm hoàn tất mọi việc để triển khai dự án...
Những nguyện vọng, trăn trở của ông Tám chưa thành hiện thực thì ông đã đột ngột ra đi. Đại tá Bùi Tiến, một người lính dưới quyền ông, nguyên Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 7 báo tin buồn, ông Tám đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 15 giờ 45 ngày 30-5-2018 tại Bệnh viện Quân y 175.
Biết điều đó sẽ xảy ra nhưng nghe tin ấy tôi thấy người chếnh choáng. Kỷ niệm về ông Tám, người thủ trưởng cũ - Sư đoàn trưởng 2 sư đoàn cứ chập chờn ẩn hiện trong đầu tôi. Thế là từ nay, ông Tám không cùng chúng tôi trở về chiến trường xưa Long Khốt nữa. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy bóng dáng nhanh nhẹn, nụ cười hiền lành của ông- người chiến sĩ trinh sát - một trong những người lính “gạo cội” của Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng) anh hùng trên mọi nẻo đường nghĩa tình đồng đội.
TPHCM, đêm 31-5-2018.