Điều chỉnh hàng loạt biện pháp
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossya-1, Thị trưởng thủ đô Moscow (Nga) - ông Sergei Sobyanin, cho biết hơn 50% số dân thủ đô nước Nga đã mắc Covid-19. Tính đến sáng 30-1, Nga ghi nhận thêm 19.032 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này kể từ đầu dịch lên hơn 3,8 triệu ca.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y Tế Olivier Veran thừa nhận, cả nước Pháp hiện có 10% bệnh nhân mang virus biến thể xuất phát từ Anh hay Nam Phi. Tại vùng Paris Iles de France, tỷ lệ này thậm chí là 21% và đang tăng nhanh. Ông Veran không loại trừ khả năng virus biến thể là nguyên nhân dẫn tới làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 - nghiêm trọng hơn hai đợt đầu.
Đài RFI đưa tin, nhiều khả năng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ phát biểu vào cuối tuần này hoặc trễ nhất là ngày 1-2 về đợt phong tỏa thứ 3 với các biện pháp khắt khe hơn để ngăn ngừa sự lây lan chóng mặt của dịch Covid-19. Chính phủ Đức đang lên kế hoạch áp đặt lệnh cấm nhập cảnh từ Anh, Ireland, Bồ Đào Nha, Nam Phi và Brazil, dự kiến áp dụng từ ngày 31-1 và kéo dài đến ngày 17-2.
Danh sách các quốc gia thuộc diện cấm nhập cảnh vào Đức còn tăng. Đức cũng sẽ phân loại thêm 10 quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á, là các khu vực có nguy cơ cao kể từ ngày 31-1, để có phương án phòng dịch từ xa phù hợp.
Tại châu Á, Cơ quan Quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho biết, số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này duy trì mốc 400 ca trong 2 ngày liên tiếp. Xu hướng tăng trở lại sau khi có dấu hiệu giảm buộc Chính phủ Hàn Quốc phải dời thời gian điều chỉnh giãn cách xã hội, dự kiến chiều 31-1 (trước đó, dự kiến thông báo vào ngày 29-1). Bộ Ngoại giao Singapore thông báo thỏa thuận đi lại làn xanh tương hỗ giữa Singapore với Đức, Malaysia và Hàn Quốc sẽ bị đình chỉ trong 3 tháng kể từ ngày 1-2, do số ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh trên thế giới…
Không chia sẻ vaccine là thảm họa đạo đức
Bên cạnh các biện pháp phòng dịch như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tiếp xúc ở khoảng cách an toàn..., vaccine được xem là yếu tố quan trọng để giảm đà lây lan của dịch Covid-19. Hiện nay có tình trạng các nước giàu tìm cách mua lượng lớn các loại vaccine ngừa Covid-19, khiến số hàng tới tay nước nghèo còn rất ít.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích mạnh mẽ việc này, đồng thời cho rằng đại dịch đã phơi bày và khoét sâu tình trạng bất bình đẳng trên thế giới. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, “chủ nghĩa dân tộc vaccine” có thể đáp ứng các mục tiêu chính trị ngắn hạn, nhưng cũng sẽ dẫn đến tầm nhìn ngắn hạn và cuối cùng là thất bại.
WHO cũng tái khẳng định, cách thức duy nhất để đánh bại đại dịch và phục hồi kinh tế toàn cầu là đảm bảo các nhóm ưu tiên tại mỗi nước được tiêm phòng. Ông Ghebreyesus hối thúc thế giới tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ, như với cuộc khủng hoảng đại dịch HIV/AIDS, khi các nước giàu nhận được thuốc gần một thập niên, trước khi các sản phẩm này có thể mua được tại những nước nghèo hơn.
Tương tự, trong dịch cúm H1N1 năm 2009, vaccine chỉ tới được các nước nghèo khi dịch bệnh kết thúc. Theo Tổng Giám đốc WHO, việc tích trữ và không chia sẻ vaccine là thảm họa đạo đức, khiến đại dịch Covid-19 kéo dài và làm chậm quá trình phục hồi.
Trước đó, Ủy ban châu Âu công bố nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả giám sát và có thể cấm các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19. Giám đốc phụ trách vấn đề tiếp cận dược phẩm và các sản phẩm y tế của WHO, bà Mariangela Simao, cho rằng giải pháp EU đưa ra tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho hoạt động cung ứng vaccine toàn cầu.