Không cày cuốc dành dụm cho con
Chị Nguyễn Thanh Hà (ngụ quận 10, TPHCM) đang tính toán lại khoản tiền tiết kiệm của gia đình. Chị Hà dự định hết dịch Covid-19 sẽ vay mượn bà con hoặc vay ngân hàng để đầu tư lại cửa hàng ẩm thực - tâm huyết của chị mấy năm nay, đang có nguy cơ phá sản vì nghỉ dịch quá lâu.
Thấy vợ tính như vậy, anh Trình (chồng chị Hà) một hai không cho vay mượn. Anh bảo, còn miếng đất ở ngoại thành, nếu muốn thì bán đi làm ăn. Chị Hà thích giữ miếng đất đó để sau này phòng trường hợp có việc lo cho con cái hoặc làm vốn cho tụi nhỏ.
Chị Hà biết chồng không muốn con dựa dẫm vào cha mẹ rồi sinh ỷ lại nên chủ ý chỉ nuôi ăn học, mọi thứ sau này hai đứa sẽ tự lo liệu. Nhưng nhìn từ vợ chồng chị mà ra, không có sự hỗ trợ từ gia đình nên vuột mất nhiều cơ hội phát triển. Đám bạn học cùng, ai có sự hỗ trợ của gia đình, hầu hết hiện nay đã rất phát triển, tự tin hơn trong cuộc sống.
Dĩ nhiên, thi thoảng cũng có người phất lên từ hai bàn tay trắng, nhưng số ấy không nhiều. Riêng vợ chồng chị phải nỗ lực lắm, dè sẻn chi tiêu nhiều năm thì đến nay, ở tuổi ngoài 40, cuộc sống mới chỉ gọi là tạm ổn, đủ ăn và dư dả một chút để phòng thân. Nhưng anh Trình cho rằng thế là đủ, anh vẫn giữ quan điểm con cái cũng sẽ phải tự lo như mình thì mới nên người được.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ có tư tưởng thế hệ nào thì vun vén cho thế hệ đó, nên trong kế hoạch chi tiêu gần như không tính đến chuyện tích lũy lâu dài. Vợ chồng anh Vũ Đại Đằng (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cùng làm nhân viên của một công ty chuyên cung cấp nội thất Hàn Quốc. Thu nhập tốt nhưng theo như bạn bè nhận xét, anh chị cũng “rất biết chi xài”.
Gia đình anh Đằng thường xuyên “check in” ở những nhà hàng sang trọng hoặc mỗi năm đi du lịch vài nơi trong, ngoài nước. Vì vậy mà ngoài chiếc xe hơi, hầu như anh chị không có thêm tài sản nào. Căn hộ đang ở cũng là đi thuê. Vợ chồng anh Đằng không có ý định mua sắm, tích trữ gì.
“Ngay từ khi mới cưới, vợ chồng tôi đã xác định sau này chỉ bao bọc con đến hết bậc đại học. Tụi nhỏ có kiến thức, có sức khỏe thì tự lo cho bản thân. Vợ chồng tôi cố gắng không làm phiền con cái chứ không cày cuốc dành dụm cho con”, anh Đằng cho biết.
Điểm tựa cho con
Chị Vũ Ngọc Hồng Ánh, chủ một doanh nghiệp ở TP Thủ Đức (TPHCM), cho rằng không khuyến khích suy nghĩ cha mẹ cày cuốc tích lũy thật nhiều tài sản để sau này con cái chỉ ở không hưởng thụ. Nhưng quan điểm của chị là nên tích lũy tài sản để thế hệ sau có điểm tựa, sức bật tốt hơn trong công việc và cuộc sống. Theo chị Hồng Ánh, nếu nói ở phương diện rộng, việc tích lũy tài sản không hẳn chỉ cho con cái hưởng thụ mà còn xây dựng nền tảng cho nhiều thế hệ sau này.
“Dân giàu thì nước mới mạnh. Nếu mỗi người đến tuổi trưởng thành đều phải bắt đầu từ vạch xuất phát thì đâu có những tập đoàn gia đình với những đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước”, chị Ánh phân tích.
Đứng ở góc độ một gia đình bình thường, chị Hồng Ánh cho rằng đứa trẻ trong gia đình có nền tảng kinh tế tốt thì sẽ có điều kiện học tập và trải nghiệm hơn. Sau này, nếu có tài sản tích lũy của cha mẹ cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc khởi nghiệp hoặc chí ít là có thời gian tập trung theo đuổi đam mê, thay vì phải tính toán đến con đường kiếm tiền quá sớm. Dù vậy, các bậc phụ huynh phải khéo léo trong cách nuôi dạy con, đừng để con biết quá sớm về tài sản sau này sẽ được hưởng thụ mà ỷ lại.
Đồng quan điểm với chị Hồng Ánh, anh Phan Thanh Toản (ngụ quận 5, TPHCM) minh chứng bằng câu chuyện của bản thân. Nhờ có sự hỗ trợ kinh tế của gia đình, anh yên tâm lấy thêm một bằng cử nhân kinh tế và một bằng thạc sĩ luật. Sau này, khi có cơ hội kinh doanh, anh có sẵn nguồn vay không lãi suất nên chớp được thời cơ đầu tư, hoàn vốn nhanh và có thêm vốn để xoay vòng. Anh cũng mạnh dạn hơn khi mở rộng mối làm ăn, bởi “nếu chẳng may trắng tay thì về nhà vẫn có cơm ăn, không sợ đói”.
Những ngày dịch bệnh, nhiều người sẽ thấm câu chuyện tích lũy tài sản. Minh chứng là những gia đình có sự tích lũy thì ít nhất cũng không lo đến cái ăn cái mặc trong mùa dịch. Còn những gia đình không có điều kiện tích lũy thì phải xoay xở với nhu yếu phẩm cứu trợ. Nói vậy để thấy, tích lũy tài sản cho con hay không, mỗi người có quan điểm riêng.
Quan điểm nào cũng có cái đúng và cả những điều hạn chế riêng. Song, nếu đặt nó vào thời cuộc và sự kỳ vọng một nền tảng kinh tế gia đình vững chắc, chắc chắn những gia đình trẻ sẽ cân nhắc thêm về việc nên hay không tích lũy tài sản cho con.