Báo cáo với đoàn giám sát, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi, cho biết qua 9 năm hoạt động, trung tâm đã quan tâm đến công tác tạo lập, quản lý cơ sở dữ liệu đáp ứng hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực.
Cụ thể, Falmi sử dụng các nguồn thông tin chính thống từ ngành thống kê, Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH); đồng thời mỗi năm thực hiện khảo sát, thu thập thông tin tại 30.000 doanh nghiệp và 100.000 người lao động có nhu cầu việc làm, cũng như nhu cầu học nghề, chọn ngành của học sinh - sinh viên.
Các kỹ sư công nghệ thông tin tìm kiếm cơ hội việc làm tại sự kiện Tech Insider Expo do VietnamWorks tổ chức
Từ đó, phân tích tình hình thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, 5 năm và 10 năm). Những số liệu dự báo này đã được đưa tới các cơ quan báo chí, trường học, doanh nghiệp, các trung tâm giới thiệu việc làm… để công bố tới đông đảo người dân và ứng dụng vào hoạt động hướng nghiệp, tuyển dụng lao động.
Thông tin dự báo cũng tác động đến học sinh - sinh viên, giúp các em học sinh và gia đình có định hướng chọn ngành, chọn nghề phù hợp.
Theo ông Trần Anh Tuấn, khó khăn trong hoạt động là trung tâm luôn luôn cần các nguồn số liệu phong phú, đa dạng và chuẩn xác để phân tích, đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực một cách chuẩn xác.
Hiện nay, tâm lý của học sinh và phụ huynh vẫn chủ yếu chọn đại học nên các dự báo của trung tâm vẫn bị phân hóa, hiệu quả chưa cao như mong muốn.
Cùng với tiếp tục tìm tòi để có phương pháp dự báo phù hợp với tình hình ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, Falmi đề nghị TP đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin với nền tảng mới, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp dữ liệu với 24 quận, huyện, các doanh nghiệp, các trường đại học - cao đẳng - trung cấp - dạy nghề và các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn TP.