Bởi ngay từ những ngày chập chững bước chân vào tạo lập doanh nghiệp, thành viên sáng lập thường quan tâm đến việc khai thác, lên tý tưởng kinh doanh, huy động vốn, lập kế hoạch mở rộng thị trường, mà quên mất thành lập một tổ chuyên lo về pháp lý.
Để hỗ trợ những bạn trẻ muốn khởi nghiệp, tại TPHCM có hàng loạt trung tâm “ươm tạo” sẵn sàng hỗ trợ từ A đến Z, từ lo các thủ tục pháp lý, thuế, đến đào tạo các kỹ năng…
Chẳng hạn các trung tâm của các trường đại học, các sở ngành trên địa bàn TP, hiện thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia kết nối, trong đó có cả những cá nhân khởi nghiệp nước ngoài. Gần đây, các trung tâm trọng tài thương mại, Đoàn Luật sư TP kết hợp với các doanh nghiệp cũng đã tổ chức một số buổi hội thảo, tọa đàm với nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho sinh viên, những người kinh doanh quan tâm đến pháp luật.
Mục tiêu hướng đến việc bổ túc kịp thời những kiến thức cơ bản, cũng như động viên học viên trau dồi kiến thức chuyên sâu, có định hướng rõ ràng trong những bước tiến kinh doanh.
Các sinh viên Trường Đại học Ngoại thương TPHCM trong một buổi phổ biến kiến thức pháp luật do VIAC tổ chức. Ảnh: Đ.H.N.T
Theo bạn Mai Ngân, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ, đa phần sinh viên đều tranh thủ kiếm việc làm thêm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình. Nhiều bạn chọn giải pháp bán hàng qua mạng, gồm quần áo, nước hoa các loại từ trong nước đến hàng nhập khẩu.
Vì ít vốn, thiếu kiến thức nên nhiều bạn vô tình tiếp tay cho việc kinh doanh, phát tán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… Rõ ràng, những hành vi gian lận thương mại này rất dễ bị cơ quan chức năng xử lý, chưa kể còn có nguy cơ “bóc lịch” (vào tù) như chơi.
Do vậy, bằng những tình huống thực tế, có đôi chút hài hước, các lớp kỹ năng nghề luật do những luật sư dày dặn kinh nghiệm giảng dạy tại một số trường đại học dành cho sinh viên rất hữu ích, có thể ứng dụng liền trong cuộc sống.
Anh N.V.L, chủ một doanh nghiệp chuyên về thực phẩm tại TPHCM chia sẻ, công ty của anh từng phải chật vật khởi kiện một đối tác sao chép y chang mẫu mã, bao bì, logo nhận diện thương hiệu sản phẩm…
“Mệt mỏi ở chỗ chủ doanh nghiệp này từng là bạn bè thân thiết, làm chung công ty mình trước đây, nên mọi thông tin về sản phẩm, khách hàng của mình đều bị anh ta tranh giành. Sau này hòa giải thành công, anh ta rút lui, tung ra sản phẩm mới, nhưng nói thực mình rất bực mình. Cùng là sinh viên ngành công nghệ, tay ngang ra lập nghiệp, kiến thức pháp lý non kém, với lại mình cũng ỷ lại vì nghĩ bạn bè thân thiết gian khổ có nhau nên chắc không hại nhau. Chính vì suy nghĩ đó nên mới phải gánh hậu quả như vừa qua”, anh N.V.L tâm sự.
Người xưa có câu “Vô phúc đáo tụng đình” (vô phúc mới phải ra tòa nghe phán xử), nhưng thực tế hiện nay đã khác xa. Các vụ phán xử nhờ tới trung tâm trọng tài thương mại hay tòa án đều là xu hướng của văn minh, hiện đại khi mà nguy cơ tranh chấp (thương mại, dân sự…) xảy ra ngày càng nhiều.
Để ứng phó kịp thời, chấp nhận “sống chung” với khả năng bị kiện cáo, tranh chấp, nhất là tranh chấp thương mại, thì các doanh nghiệp nên chủ động trau dồi các kiến thức về pháp luật, có một tổ tư vấn pháp lý để hỗ trợ nhanh chóng khi tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tới các trung tâm trọng tài thương mại, cơ quan báo chí truyền thông… để nhận được sự tư vấn hợp lý, trước khi đưa ra những quyết định tiếp theo cho vụ tranh chấp mà mình theo đuổi.