- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, gói hỗ trợ dành cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 với quy mô khoảng 62.000 tỷ đồng đang được Chính phủ triển khai. Ông đánh giá thế nào về việc triển khai gói hỗ trợ này?
TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Việc Chính phủ hỗ trợ trực tiếp người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch là rất cần thiết trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Việc hỗ trợ cần triển khai nhanh, nếu có vướng mắc gì thì báo cáo Quốc hội kịp thời. Chúng ta xác định lúc này như thời chiến nên có những trình tự, thủ tục có thể thay đổi cho phù hợp.
Quá trình thực hiện nên tách ra thành các gói nhỏ khác nhau vì mỗi gói trong chương trình tổng thể đó đều có ý nghĩa riêng. Và cũng cần tham khảo xem các nước đang có dịch triển khai thế nào. Có nước phát tiền trực tiếp đến tận nhà, bên cạnh những giải pháp miễn, giảm, giãn, thậm chí hoàn thuế thu nhập cá nhân cho dân, rồi trợ cấp thất nghiệp... Cách nào phù hợp với hoàn cảnh nước mình thì nên học hỏi.
- Cơ quan thống kê quốc gia công bố số liệu cho thấy Covid-19 đã tác động mạnh, khiến tăng trưởng GDP trong quý 1 chỉ đạt 3,82% và dự báo quý 2 sẽ khó khăn hơn. Trong trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý 2, tăng trưởng GDP cả năm 2020 là 5,32%; còn nếu quý 3 mới khống chế được dịch, mức tăng trưởng dự báo là 5,05%. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần có chiến lược ứng phó thế nào?
Tình hình đúng là rất khó khăn, tăng trưởng có thể còn tiếp tục sụt giảm, thậm chí sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng… tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Khu vực doanh nghiệp đã và đang phải đối phó với khó khăn đầu vào và đầu ra. Vì thế, điều quan trọng là kiểm soát dịch thật tốt để kinh tế sớm phục hồi vì suy giảm kinh tế hiện tại là do dịch bệnh chứ không phải do khủng hoảng tài chính như giai đoạn 2008 - 2009. Chúng ta vừa chống dịch, vừa phải chuẩn bị thật tốt, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, không để xảy ra những tình huống phức tạp.
- Nhiều ý kiến nhắc đến đầu tư công như một điểm tựa phát triển hiện nay, quan điểm của ông thế nào?
Tôi cũng cho rằng đầu tư công không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh, giải quyết được nhiều công ăn việc làm mà lại đang có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai (như đường sá, sân bay, bến bãi đều đang thông thoáng, nguồn lao động cũng dễ huy động...) nên phải tích cực giải ngân đầu tư công, thậm chí tăng liều lượng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục nhằm giúp chúng ta giảm bớt các điểm nghẽn trong nền kinh tế… Hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ khu vực nước ngoài, khu vực tư nhân đang giảm thì giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế giai đoạn sau dịch cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, yêu cầu phòng chống dịch bệnh vẫn phải đặt lên hàng đầu.
- Năm nay ngân sách nhiều khả năng sẽ khó khăn vì phải dành để phòng chống dịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc đến vấn đề không bố trí vốn cho các dự án mới. Ông thấy thế nào?
Vốn cho đầu tư công năm 2020 đã bố trí gần 700.000 tỷ đồng. Nếu cải thiện được tiến độ giải ngân, làm tốt các dự án đang triển khai hiệu quả cũng đã rất tốt vì lâu nay làm rất chậm. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã đề xuất việc chuyển 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công, dự kiến khởi công từ tháng 8 năm nay.
Với tinh thần Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, nếu thực sự thấy có hiệu quả, tôi nghĩ vẫn có thể chấp nhận bội chi cao hơn và nợ công cũng có thể tăng lên vì dư địa vẫn còn. Đến cuối năm 2019, bội chi ngân sách nhà nước đã giảm từ mức 3,7% GDP theo dự toán xuống mức dưới 3,4% GDP. Cùng kỳ, nợ công đã giảm còn 56,1% so với mức 63,7% thời điểm cuối năm 2016, nghĩa là không cần phải nới trần (mức trần Quốc hội cho phép giai đoạn này là 65% GDP - PV).
Tóm lại, tôi cho rằng phải có sự phân công tổ chức cho khoa học để một mặt tập trung chống dịch tốt, một mặt lo đầu tư để chuẩn bị cho kinh tế phục hồi sau dịch. Có thế, chúng ta mới có nguồn lực bền vững để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phòng dịch trong giai đoạn mới.