Tia-Thủy Nguyễn mang triển lãm “Hoa đời” đến Pháp |
Triển lãm nghệ thuật Flower of Life (Hoa Đời) gồm 11 tác phẩm của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn diễn ra trong khuôn viên Château La Coste - nơi được xem “thánh địa nghệ thuật” của Pháp, kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật đương đại, kiến trúc và văn hóa. Triển lãm được diễn ra xuyên suốt đến hết ngày 30-1-2024.
Đây là lần thứ 3 nữ nghệ sĩ Việt Nam Thủy Nguyễn được mời tổ chức triển lãm tại đây. Ở lần quay trở lại này, cô khéo léo kể lên câu chuyện về vòng tròn cuộc sống - cái tưởng chừng đã mất nay lại tái sinh theo một thực thể khác biệt, thực hành thông qua hình ảnh “Hoa đời”. Triển lãm thu hút hàng ngàn người nước ngoài, giới mộ điệu đến thưởng thức nghệ thuật.
Vẫn kiên định với câu chuyện kể từ ánh sáng, Thủy Nguyễn chọn khắc họa mọi thứ thông qua một thân cây sồi cao 18m, đã chết đứng giữa đường đi, trong khuôn viên của Château La Coste. Hoạt động triển lãm được tổ chức ở 2 không gian: giữa khu vườn đầy nắng và không gian nhà kín.
Hoa Đời sau khi được mặc áo mới, sắp đặt lại tại chính địa điểm cũ nơi nó từng sống một kiếp trước xanh tươi, tỏa bóng. Cây sồi vẫn đứng yên, nhưng nó không còn thờ ơ với mọi chuyển động xung quanh nữa. Một cơn gió đến lay động cành lá cũng khiến chúng phản quang; một tia nắng đúng hẹn sẽ khiến lòng cây bừng sáng; ban đêm, một ánh đèn xe rọi vào cũng sẽ khiến nó “bật” lại ngay lập tức.
Không gian trong nhà là nơi trưng bày những tác phẩm phái sinh từ Hoa đời. Triển lãm trưng bày hơn 10 tác phẩm với nhiều thể loại và chất liệu: phù điêu, tranh thêu hai mặt làm từ dây thép, tranh sơn dầu, đính kết… và kể một câu chuyện khác, một góc nhìn khác, nhiều kỹ thuật khác về tác phẩm Hoa đời.
Khán giả quốc tế thưởng lãm tác phẩm của Tia-Thủy Nguyễn |
Cận cảnh các tác phẩm của Tia-Thủy Nguyễn trưng bày tại Château La Coste |
Tia-Thủy Nguyễn mất 2 năm để tạo thành tác phẩm này. Cô chọn quay về với sơn dầu - kỹ thuật đã theo cô từ những ngày đầu tiếp xúc với hội họa. Đây có thể được coi là một bước kết hợp và tiếp tiến trong hành trình thực hành nghệ thuật gần 30 năm. Bên cạnh đó có các tác phẩm tranh thêu hai mặt được làm thủ công từ những sợi thép không gỉ để thể hiện tính luân hồi và xoay chuyển của dòng năng lượng trong tự nhiên.
Tia-Thủy Nguyễn cho hay, luôn trăn trở với văn hóa, cách làm sáng tạo đồng thời muốn đưa nền nghệ thuật nước nhà ra thế giới. “Tôi luôn thách thức chính mình trong việc khám phá, phát triển và đưa những điều mới mẻ trong vẻ đẹp văn hóa dân gian của Việt Nam, từ chất liệu, màu sắc, hình dáng đến thanh âm, ý tứ ẩn chứa vào trong tác phẩm của mình. Từ đây, tôi mong muốn khẳng định giá trị của nền mỹ thuật Việt Nam trên thị trường thế giới”, cô nói.