Nhưng trong đời cũng nên đến đất nước đắt đỏ bậc nhất thế giới này một lần, để thấm thía chất lượng cuộc sống và thời gian lao động là thước đo giá trị con người. Đi đâu cũng thấy mọi thứ như đã được lập trình cả rồi. Với đầu óc tổ chức kiểu Thụy Sĩ, 1 ngày ở đây làm được thật nhiều việc, tham quan được nhiều nơi. Như thể đất nước này vừa tặng thêm cho tôi 1 giờ mỗi ngày.
Đến như Cuốn theo chiều gió
Vừa hạ cánh Geneva đã tới tấp chạm vào những nụ hôn. Loạt ảnh cận cảnh như quay chậm nụ hôn huyền thoại của Scarlett O’Hara và Rhett Butler trong phim Cuốn theo chiều gió treo kín sảnh đón khách của sân bay. Dấu hiệu của ngọt ngào và cay đắng đây rồi.
Lời khuyên đầu tiên của những người bạn ở Thụy Sĩ: Nếu không tự lái xe sang đây thì phải sở hữu bằng được một chiếc Tageskarte - vé ngày, giá 42CHF (khoảng 35EUR). Cầm chiếc vé này trong tay, cảm giác mới ngọt ngào làm sao.
Buổi sáng đầu tiên, tôi thoải mái nhảy lên chuyến tàu tiện nghi từ Geneva chạy hơn hai tiếng đến Zurich, đu mấy lượt xe điện hết điểm tham quan này đến điểm tham quan khác, thêm tiếng rưỡi ngồi thuyền ngoạn cảnh hồ, chiều muộn mới ra tàu về Lucerne và từ ga trung tâm Lucerne còn vớt vát nốt chuyến xe buýt cuối ngày về nơi nghỉ đêm. Mọi di chuyển suốt 24 giờ ấy chỉ bằng một tấm vé ngày trị giá 35EUR.
Trên chuyến tàu từ Zurich về thủ đô Bern, con trai tôi còn thích thú phát hiện toa dành riêng cho trẻ em. Bọn trẻ thoải mái chơi cầu tụt, ngồi lái thuyền gỗ, leo tháp... ngay trên tàu.
Dĩ nhiên, không dễ mua được Tageskarte - “visa giao thông” cho phép sử dụng mọi phương tiện đi lại công cộng ở Thụy Sĩ. Ngành đường sắt Thụy Sĩ chia số lượng vé nhất định này cho từng vùng, phải là người sống ở đây và cần đặt sớm mới có vé.
Trang, cô bạn tôi ở Lausanne dặn trước: “Phương tiện công cộng Thụy Sĩ rất tốt, tàu xe chạy êm như ru, bởi vậy giá vé rất mắc. Giá xe buýt đường dài cũng ngang ngửa giá tàu luôn. Từ Lausanne chỗ tớ, chạy tàu 40 phút lên Geneva đã 27CHF/vé một chiều. Nên phải có Tageskarte mới dám tính chuyện ngược xuôi. Nơi tớ ở ít dân, mỗi ngày cả làng chỉ được phân bổ 2 vé. Phải cầm thẻ căn cước theo và mỗi người chỉ được mua 1 vé, thường mình đặt trước 2 tháng mới có. Ai ở thành phố lớn như Geneva thì được mua nhiều hơn”.
May mắn, khoảng 3 tuần trước ngày xuất phát, Hồng - người bạn ở Geneva đã mua được vé này cho tôi trong 2 ngày. 3 ngày còn lại hết vé ưu tiên, phải trực tiếp vào ga mua vé thường. Và từ đây tôi trả tiền vé vô cùng “xót xa”: từ Luzerne đi Bern 39CHF/vé, từ Bern về lại Geneva 56CHF/vé, một chiều. Cục Thống kê Liên bang Thụy Sĩ từng đưa số liệu thu nhập trung bình của một công chức nước này khoảng 6.000CHF/tháng. Riêng chi phí xăng dầu, xe hơi và vé xe lửa, xe buýt đã ngốn 460CHF/tháng, hơn cả tiền ăn uống 450CHF/tháng. Trang quyết không sở hữu xe hơi, chủ yếu đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng cũng tốn khoảng 770CHF/năm.
Ở cùng “đầu óc” Thụy Sĩ
Chuyến đi Thụy Sĩ là của tôi, nhưng giúp lập trình kỹ đến từng milimét lại là Hồng, người đã học tập, sống và làm việc tại Thụy Sĩ gần 20 năm: “Trong sân bay có loại máy cung cấp vé xe buýt miễn phí, đi trong ngày, 1 lượt. Nhớ phải lấy vé này trước khi qua cổng hải quan. Tớ sẽ quay clip cách ra khỏi sân bay và lấy vé xe cho cậu xem trước. Còn đây là ảnh chụp từ google map cách đi bộ từ bến xe về nhà tớ. Xem trước đi để khỏi lóng ngóng, nhầm lẫn mất thời gian”.
Vừa xuống sân bay, mở máy điện thoại đã thấy tin nhắn của Hồng: “Lát gặp nhé. Máy bay của cậu vừa bay trên đầu tớ”. Cứ vài phút, sân bay Geneva lại đón một chuyến, làm sao Hồng biết chuyến nào của tôi. Về đến nhà, Hồng kéo tôi ra ban công và giơ smartphone lên: “Đây, chiếc sắp hạ cánh này của Lufthansa, chuyến bay số..., phi công tên là...”. Cô đọc vanh vách. Hồng tải ứng dụng đặc biệt này để tiện theo dõi người thân, bạn bè khi đến và rời Geneva. Trễ giờ, hủy chuyến... ngồi nhà biết hết. Nhà Hồng cách sân bay chỉ 15 phút lái xe, có app này rất tiện. Nhiều khi cô còn tranh thủ luộc nồi rau, cho con đi ngủ xong vẫn kịp giờ đón khách.
Chuyện tiếu lâm, nhưng không phải không có cơ sở. Từ Geneva đi Zurich, bảng điện tử bên đường của Khách sạn 25 giờ găm luôn vào vùng nhớ của tôi. Không chỉ các tháp chuông đồng hồ trên nóc nhà thờ nhắc nhở giờ giấc từ trên cao, ngay trong cửa hàng bán đồ fast-food cũng tích tắc cạnh bàn đồng hồ quả lắc cổ lẫn đồng hồ điện tử. Ga xép nhỏ ở Brienz, 2 đường ray uốn lượn như làm xiếc sát mép hồ Ngọc Bích ứa tràn màu nước biêng biếc. Bảng thông báo ghi 13 giờ 1 phút sẽ có tàu đi Interlaken, đúng 13 giờ tàu đỗ xịch trước mặt.
Các chuyến tàu ở đây chạy đúng giờ đến nỗi cái tên dài ngoằng và khó phát âm bậc nhất SBB CFF FFS của ngành đường sắt Thụy Sĩ đã hằn sâu vào trí nhớ của tôi. Các nhân viên đường sắt cũng làm việc mẫn cán đến độ khi tôi còn lơ ngơ chưa biết vào cửa nào hỏi thông tin đã có ngay một người của ga đến chỉ dẫn tận tình. Họ không đứng chờ khách mà trực tiếp tìm khách.
Người Thụy Sĩ vẫn kêu ca họ phải sống với quá nhiều áp lực. Áp lực việc làm, áp lực đứng đầu và áp lực chi phí đắt đỏ. Hồng kể, anh chồng người Thụy Sĩ của cô từng căng thẳng đến nỗi phải tạm nghỉ việc tại công ty bảo hiểm, ở nhà 1 năm trời. Ám ảnh tâm trí anh ngay cả trong giấc ngủ chính là chiếc bảng điện tử công ty liên tục thống kê tốc độ nhấc máy trả lời khách hàng của nhân viên: Nhân viên A 10 giây mới nhấc máy, nhân viên B 5 giây, nhân viên C 1 giây... Nhưng chính người Thụy Sĩ cũng hay nói với tôi: “Đã uống sữa, ăn bánh mì của Thụy Sĩ rồi thì đi đâu uống sữa cũng thấy nhạt, ăn bánh mì nào cũng thấy kém thơm và dai”.
Chưa ở đâu tôi thấy người ta dắt chó đi dạo bên hồ thư thái như tại Zurich. Bên đường nhan nhản các thùng rác, mỗi thùng rác lại cài sẵn tập túi nilon màu đỏ. Rác thải của chó được quan tâm chu đáo. Các hòm thư thường kết hợp 2 chức năng, 1 khe dành riêng cho thư báo và 1 cửa lớn để nhét bưu kiện. Chỉ cần mang theo con dao Swiss Army Knife, thế là đủ đồ nghề dao, kéo, cưa, đầu mở bia và sâm-panh, bút bi, đèn flash nhỏ...
Sống có tổ chức và yêu có trách nhiệm
Ở Geneva tôi có Hồng, đến Luzerne tôi có Loan. Cô từ Ba Lan chuyển sang Thụy Sĩ được 5 năm. Năm đầu tiên ở đây, Loan bảo cô không cảm nhận được gì khác biệt vì “cùng châu Âu với nhau cả”. Rồi cô dần ngấm hồ, ngấm rừng, ngấm núi non trùng điệp nơi này. Từ căn hộ Loan thuê, mở cửa phòng khách ra là thấy mây vờn núi. Mỗi khi đi xa, quay về lại thấy sao mà xanh thế, sao mà trong lành và bình yên đến thế. Không dễ để một người mẹ đơn thân như Loan thuê được căn hộ này.
“Mình có việc làm, nhưng phải chật vật lắm thì thu nhập một đầu lương mới đủ nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Muốn thuê chung cư 1 cộng 2, tức 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và bếp riêng, họ cũng xét lên xét xuống mấy lần không cho thuê đấy. Ở đây người ta không nhắm mắt cho thuê bừa đâu. Cũng đúng thôi, mỗi tháng tiền thuê nhà đã ngốn 1.700CHF, gần hết lương, còn gì ăn uống?”.
Sau này Loan cũng tìm được người đồng ý thuê chung căn hộ. Hai đầu lương gộp lại, 2 đứa con có phòng ngủ riêng, trường học gần nhà, an cư lạc nghiệp. Từ bên bờ sông Reuss thơ mộng, nhìn sang bên kia Luzerne là những dãy khách sạn, trung tâm thương mại, sòng bài lộng lẫy.
Tôi đã hiểu vì sao Loan lại chấp nhận sang đây làm lại từ đầu, bỏ cả việc kinh doanh đang thuận lợi và nhà cao cửa rộng ở Ba Lan. Ở đây, cô vẫn phải lao động vất vả, nhưng những vất vả ấy được đảm bảo bằng các tài khoản đã nằm trong hệ thống ngân hàng uy tín nhất thế giới, những đứa con rời nhà có khi quên khóa cửa cũng chẳng lo mất mát gì. Cô có được sự yên tâm khi mỗi ngày các con đến trường là một ngày vui, là lũ trẻ đang hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến nhất. Từ nay, chỉ nhìn về tương lai.
Chia tay Loan và Hồng, lỡ dịp gặp Trang, bỏ lại sau lưng những chuyến tàu tốc hành êm ái. Trở lại sân bay Geneva, tôi bắt gặp một tình yêu khác: nụ hôn vội của Bogart và Bergman trên đôi vai nặng đầy trách nhiệm - tác phẩm điện ảnh kinh điển Casablanca treo trên lối vào cửa máy bay. Ngẫm lại câu chuyện tiếu lâm về dân châu Âu, tranh ảnh ở sân bay tràn ngập nụ hôn thế này, ai bảo người Thụy Sĩ không biết yêu, không lãng mạn tình cảm? Nhưng dám chắc một điều, sống có tổ chức và yêu có trách nhiệm như người Thụy Sĩ, thật không dễ gì làm được.