Thủy sản Việt Nam cần được hỗ trợ và chuyển hướng trước mức thuế của Hoa Kỳ

Hơn 400 doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ thua lỗ nặng nếu mức thuế 46% của Hoa Kỳ được giữ nguyên, với lô hàng 500.000USD có thể phải chịu thuế tới 230.000USD.

Anh 3- Nuoi trong thuy san tai dao Lý Sơn Quảng Ngãi-NGUYEN TRANG.jpg
Nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa

Trước thông tin Hoa Kỳ áp dụng mức thuế đối ứng lên tới 46% với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (có hiệu lực sơ bộ từ ngày 9-4), Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có công văn hỏa tốc gửi sở nông nghiệp và môi trường các tỉnh, thành ven biển và khu vực ĐBSCL, đề nghị khẩn trương ổn định tình hình sản xuất, trấn an tâm lý người dân và doanh nghiệp, tránh thu hoạch ồ ạt hoặc cắt giảm nuôi trồng do lo sợ thị trường co hẹp.

Theo công văn, các địa phương cần tăng cường bám sát thực địa, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ giảm chi phí, truy xuất nguồn gốc minh bạch, nâng cao chất lượng và sẵn sàng các kịch bản chuyển hướng thị trường.

Đồng thời, các địa phương cần kích hoạt những liên kết chuỗi trong nước, tổ chức tiêu thụ nội địa, tạm trữ nguyên liệu và chia sẻ thông tin thị trường kịp thời, nhằm duy trì sản lượng, giá trị và việc làm cho hàng triệu lao động vùng ven biển.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong quý 1-2025, ngành thủy sản đạt sản lượng 1,99 triệu tấn, giá trị xuất khẩu 2,29 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc - Hồng Công chiếm 21,7% thị phần, Hoa Kỳ 18%, Nhật Bản 15,1%, EU 9,9%, Hàn Quốc 8%. Riêng Hoa Kỳ hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia xuất khẩu thường xuyên.

Nếu mức thuế 46% được áp dụng chính thức sau giai đoạn điều tra sơ bộ, nhiều doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết, một lô hàng trị giá 500.000USD vốn chỉ chịu thuế 5% (tức 25.000USD), nay có thể phải nộp tới 230.000USD - tương đương gần một nửa giá trị. Trong khi đó, hiện có khoảng 37.500 tấn hàng đang trên đường sang Hoa Kỳ và 31.500 tấn khác đã lên kế hoạch xuất khẩu trong tháng 4-5.

Ông Nguyễn Hoài Nam cảnh báo: “Nếu bị đánh thuế gấp gần 10 lần như vậy, doanh nghiệp sẽ thua lỗ ngay khi hàng cập cảng”.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, đã kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành về một loạt giải pháp ứng phó khẩn cấp, gồm: cơ chế hoãn - giãn thuế với các hợp đồng đã ký, đàm phán lại mức thuế theo từng ngành hàng hoặc theo vùng nuôi đạt chuẩn. Đồng thời, Việt Nam cần xúc tiến nhanh việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Brazil, Mexico và Trung Đông. Đây là những thị trường tiềm năng đang có dư địa lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục