Theo đó, hiện tại thủy điện vẫn duy trì vận hành 4 tổ máy với sản lượng hơn 1 triệu kWh/ngày nhằm đảm bảo nguồn nước cho hạ du và đưa ra kịch bản, phương án điều tiết nước cho đến hết tháng 6, gồm 2 phương án:
- Thứ nhất, tình trạng nước về hồ thuận lợi thì sẽ đảm bảo duy trì mực nước hồ không thấp hơn quy định vận hành liên hồ chứa (khoảng 52m);
- Thứ hai, tình trạng nước về hồ ít, không thuận lợi sẽ vẫn đảm bảo cấp nước cho hạ du tối thiểu 52 ngày.
Khu vực chân cầu Mã Đà không còn cảnh trơ đáy, nứt nẻ như cách đây hơn 1 tháng |
Công ty Thủy điện Trị An cũng kiến nghị các sở, ngành, cơ quan chức năng hỗ trợ tuyên truyền người dân, các nhà máy nước sử dụng nước tiết kiệm hơn so với trước để đảm bảo đủ lượng nước sử dụng; và Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cần thường xuyên thông tin về thời tiết, khí hậu để công ty có phương án vận hành theo đúng thực tế, chủ động tích trữ, điều tiết nước phù hợp.
Thuyền đánh cá có thể di chuyển trên hồ Trị An sau thời gian khô hạn, mực nước xuống thấp |
Trước đó, trong tháng 4-2023, lưu lượng nước về hồ Trị An trung bình gần 230 m3/s, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay chỉ hơn 160 m3/s và lưu lượng nước chạy máy đưa xuống hạ du gần 120 m3/s, trong khi nhu cầu đẩy mặn, cung cấp nước cho hạ du là 100 m3/s, đặc biệt, vào ngày 17-5, mực nước hồ Trị An là 51,48m, thể tích hồ 330 triệu m3.
Thủy điện Trị An xác định sản xuất điện là thứ yếu, mục đích quan trọng nhất là chạy máy để đẩy mặn, cung cấp nước và đang phối hợp chặt chẽ với các nhà máy nước trên sông Đồng Nai nhằm theo dõi sát sao độ mặn ở vùng hạ du.
Hồ thủy điện Trị An lớn nhất miền Nam, được xây dựng năm 1984, hoàn thành năm 1991, công trình có 4 tổ máy, công suất thiết kế 400MW, đóng góp cho điện lưới quốc gia, giúp đẩy mặn và điều tiết lũ cho vùng hạ du, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho khoảng 18 triệu dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.