Ngày 15-1, tại Cần Thơ, Bộ TN-MT phối hợp với Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức hội thảo Tham vấn quốc gia Dự án Thủy điện dòng sông Pắc Lay của Lào. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành, cùng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL.
Theo ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều thông tin về tình hình phát triển thủy điện ở các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Công, trong đó Lào sắp hoàn thành xây dựng hai công trình thủy điện dòng chính, chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện Pắc Beng.
Là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam đang cùng với cộng đồng quốc tế và khu vực rất quan ngại về những tác động bất lợi của các hoạt động phát triển này đến môi trường, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, một địa bàn trọng điểm quốc gia cả về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. ĐBSCL đang đối diện với tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các tác động bất lợi này ngày càng gia tăng thông qua các hiện tượng xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún từng ngày từng giờ... đe dọa đời sống và hoạt động sản xuất của người dân.
Tại hội thảo các đại biểu được nghe các báo cáo, tham luận đánh giá về Dự án Thủy điện dòng sông Pắc Lay của Lào. Trong đó, các đại biểu đặc biệt tỏ ra quan ngại về những tác động làm giảm lượng phù sa, bùn cát, giảm số lượng các loại cá di cư trên dòng Mê Công. Một số nhà khoa học cho rằng, phía Việt Nam và Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam cần gửi thông điệp đến Lào để họ có biện pháp giảm thiểu tác động. Phía Việt Nam cần có kế hoạch trung và dài hạn ứng phó với lũ, hạn và tình trạng giảm phù sa…
Đặc biệt là phải đấu tranh để các nước đang xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính Mê Công chia sẻ thông tin kịp thời về vận hành đập, để phía hạ lưu Việt Nam mà cụ thể là người dân vùng hạ lưu ĐBSCL chủ động ứng phó với mọi tình huống.
Đáng lưu ý, PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) kiến nghị: "Phía Việt Nam cần đánh giá lại những góp ý trước đây khi phía Lào xây dựng đập thủy điện, các góp ý này được tiếp thu ra sao? Nếu chúng ta đánh giá không đạt thì nên mạnh dạn đề xuất phía Lào hủy bỏ dự án".