Tối 14-10, thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa có văn bản gửi 3 công ty thủy điện trên địa bàn gồm: Sông Bung, A Vương, Đắk Mi xả lũ sớm để đưa mực nước hồ chứa về mức thấp nhất, sẵn sàng đón bão số 8.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung tổ chức vận hành, hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện Sông Bung 4. Theo yêu cầu, Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 phải vận hành với lưu lượng xả (thông qua xả tràn và chạy tổ máy phát điện) bằng lưu lượng nước về hồ cộng thêm 450-500 m3/giây, nhằm hạ mực nước hồ về mức an toàn trước 15 giờ ngày 16-10.
Tương tự, Công ty cổ phần Thủy điện A Vương tổ chức vận hành hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện A Vương với mức lưu lượng xả bằng lưu lượng nước về hồ cộng thêm 200 m3/giây nhằm hạ mực nước hồ về mức an toàn trước 15 giờ ngày 16-10.
Còn Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi được yêu cầu vận hành với lưu lượng xả bằng lưu lượng nước về hồ cộng thêm 150 m3/giây, nhằm hạ mực nước hồ về mức an toàn trước 15 giờ ngày 16-10.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu việc vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông của hạ du hồ chứa.
Chiều cùng ngày 14-10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có thông tin gửi báo chí khẳng định đến chiều 14-10, một số nhà máy thủy điện của EVN vẫn phải mở cửa xả lũ theo chỉ đạo của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh với lưu lượng tương ứng như sau:
Tại miền Bắc, hồ thủy điện Hoà Bình hiện đang xả với lưu lượng là 1.775 m3/giây. Tại miền Trung, hồ Quảng Trị xả 45 m3/giây; hồ A Lưới xả 82 m3/giây…
Lưới điện 500kV vẫn đang vận hành bình thường, một số lưới điện 220 bị sự cố nhưng được khắc phục nhanh chóng. Đến chiều 14-10, các đơn vị của EVN đã cơ bản khôi phục cung cấp điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt ở 5 tỉnh: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum.
Riêng đối với 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do hiện nay vẫn bị ngập lụt diện rộng, nhiều trạm biến áp phải cắt điện tạm thời để đảm bảo an toàn cho người và vận hành thiết bị; một số khu vực giao thông bị chia cắt, ngập lụt... chưa thể tiếp cận được hiện trường.
Tuy nhiên, đến chiều 14-10, hệ thống đã khôi phục, cung cấp lại điện cho hơn 80% phụ tải của tỉnh Thừa Thiên - Huế và gần 70% phụ tải của tỉnh Quảng Trị.