Ngày 10-2, theo Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, trong thời gian từ ngày 19-1 đến 9-2 việc xả nước từ các thủy điện ở thượng nguồn thuộc Trung Quốc xuống hạ lưu đã giảm xuống mức thấp nhất trong những tháng gần đây. Nếu việc xả nước hạn chế tiếp tục kéo dài thì khả năng mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và kéo dài sang tháng 3 là rất cao. ĐBSCL cần chủ động tích trữ nước ngay khi có thể, hạn chế sử dụng nước nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé đã góp phần ngăn mặn xâm nhập từ biển Tây |
Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cho rằng, mặn đã lên sớm ở tháng 12-2022 và tiếp tục tăng cao trong tháng 2-2023. Các vùng ven sông Tiền và sông Hậu có thể còn bị ảnh hưởng bởi triều cường trong tháng 2-2023. Nước mặn với nồng độ 4‰ có thể xâm nhập sâu 45-60 km; nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65 km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn.
Hiện ĐBSCL có khoảng 400.000ha lúa, cây ăn trái ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Theo Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, dự báo xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm nay vào cuối tháng 2 đến tháng 3. Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.